Cùng với việc tất bật xuống giống theo lịch thời vụ, nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cũng đang khẩn trương thu hoạch cá trên ruộng được thả nuôi từ nhiều tháng trước. Lợi nhuận từ mô hình mang lại tuy không lớn, nhưng đây là khoản thu nhập thêm rất có ý nghĩa đối với người dân.
Như thường lệ, mỗi khi thu hoạch xong vụ lúa Hè thu, gia đình ông Nguyễn Chí Tâm, ở ấp Bào Môn, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp liền thả nuôi cá trên ruộng. Năm nay, ông thả 10kg cá chép, hiện cá cho thu hoạch, ước đạt khoảng 450kg. Cá bán với giá 20.000 đồng/kg, tính ra vụ nuôi này gia đình ông Tâm thu về trên 7 triệu đồng. Theo ông Tâm, nuôi cá trên ruộng có lợi thế hơn so với nuôi trong ao, hoặc trong vèo. Người nuôi chỉ cần mua con giống, còn thức ăn có sẵn trong tự nhiên, chủ yếu là lúa chét, côn trùng trong rơm rạ, trứng ốc bươu vàng, sâu rầy, bèo… nên tiết giảm được chi phí.
Còn ông Nguyễn Văn Huỳnh, ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ xuống giống vụ Thu đông khoảng 20 ngày là tôi thả cá lên ruộng và đến thời điểm chuẩn bị gieo sạ vụ Đông xuân thì thu hoạch. Do gia đình chỉ có 7 công ruộng, nếu dựa vào cây lúa thì cuộc sống sẽ khá vất vả. Hơn nữa, vụ Thu đông vừa qua, lúa vừa bị thất mùa lại mất giá, tính ra chỉ huề vốn, đời sống gặp nhiều khó khăn nên tôi thả nuôi cá trên ruộng để kiếm thêm thu nhập”. Được biết, năm nay ông Huỳnh thả nuôi 18kg cá giống, gồm các loại như: cá chép, mè vinh và rô phi, năng suất đạt khoảng 500kg, thu được trên 8 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn, nhưng giúp gia đình có chi phí đầu tư cho vụ lúa Đông xuân.
Người dân thu hoạch cá trên ruộng để chuẩn bị xuống giống vụ lúa Đông xuân.
Với mô hình nuôi cá trên ruộng, nông dân vừa có thêm thu nhập vừa góp phần tăng độ phì nhiêu cho đất. Theo những hộ nuôi cá ruộng, trong quá trình nuôi, cá để lại một lớp phân hữu cơ giàu dinh dưỡng giúp cây lúa phát triển tốt, đồng thời giảm được lượng sâu rầy gây hại, lúa cho năng suất cao. Ông Huỳnh chia sẻ: “Đầu vụ gia đình tôi bỏ ra khoảng 1,3 triệu đồng để mua cá giống, trong quá trình nuôi không cần tốn thức ăn và không nhiều công chăm sóc như nuôi trong ao, hồ mà cá vẫn lớn bình thường. Với mức lợi nhuận có được, so ra cũng bằng với tiền lời của 3 công ruộng trong vụ Đông xuân”.
Nuôi cá trên ruộng là một trong những mô hình được nhiều nông dân chọn lựa, nhất là vào những tháng rảnh rỗi khi vụ mùa kết thúc. Mô hình không chỉ dễ thực hiện mà còn mở ra hướng đi mới cho những vùng chuyên độc canh cây lúa. Đồng thời, cải tạo và bảo vệ môi trường sinh thái từ việc kết hợp lúa – cá, nâng cao thu nhập cho người dân, hạn chế sâu rầy trong quá trình sản xuất. Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Qua thống kê, trên địa bàn huyện, nông dân thả nuôi cá trên ruộng là 2.070ha, cao hơn 1.000ha so với cùng kỳ. Bình quân năng suất đạt từ 0,5-0,6 tấn/ha, người nuôi thu được từ 5-7 triệu đồng/vụ nuôi. Tuy lợi nhuận không nhiều, nhưng đây thật sự là số tiền có ý nghĩa, giúp bà con có thêm thu nhập, trang trải chi phí sinh hoạt trong những tháng nông nhàn.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, nuôi cá trên ruộng sẽ góp phần làm đa dạng hóa các hình thức thả nuôi cá trên địa bàn. So với cách nuôi thâm canh truyền thống, người dân có thể tận dụng diện tích đất ruộng thả nuôi bán thâm canh để phát triển kinh tế gia đình. Với hiệu quả mang lại, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trên địa bàn. Đồng thời, vận động những hộ canh tác lúa thuộc vùng đất trũng không thể xuống giống lúa vụ 3, những hộ ít đất sản xuất thả nuôi cá trên ruộng góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế cho gia đình…