(TSVN) – Ấn Độ đã chứng kiến xuất khẩu thủy sản của mình trong năm vừa qua giảm cả về giá trị và khối lượng, chủ yếu do đại dịch COVID-19 và nhu cầu thấp hơn ở các thị trường chính.
Theo tờ báo The Times of India đưa tin ngày 5/6, nước này đã xuất khẩu 5,96 tỷ USD (4,9 tỷ EUR) giá trị thủy sản trong giai đoạn 2020 – 2021, kết thúc vào ngày 31/3 vừa qua, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Về khối lượng, giảm 1,15 triệu tấn, tương ứng 10,8% so với giai đoạn 2019 – 2020.
Chủ tịch Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Sản phẩm Hàng hải của Ấn Độ (MPEDA) Srinivas cho biết xuất khẩu đã phục hồi trong quý cuối cùng của năm tài chính này.
Trong giai đoạn 2019 – 2020, doanh số bán các sản phẩm NTTS đã tăng cả về giá trị và khối lượng, chiếm gần 68% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước và 46,4% tổng khối lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản đánh bắt của Ấn Độ trong thời gian này lại giảm cả về giá trị và khối lượng.
Ấn Độ đã xuất khẩu 590.275 tấn tôm trong giai đoạn 2020 – 2021, thấp hơn 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường chính như: Mỹ với 272.041 tấn; Trung Quốc là 101.846 tấn; EU ở mức 70.133 tấn; Nhật Bản 40,502 tấn; Đông Nam Á 38.389 tấn; và Trung Đông ở mức 29.108 tấn. Giá trị xuất khẩu tôm của Ấn Độ giảm 4,3% xuống còn 4,43 tỷ USD (3,64 tỷ EUR). Xuất khẩu TTCT của Ấn Độ giảm 3,9% xuống 492.271 tấn.
Mỹ là nước mua thủy sản lớn nhất từ Ấn Độ trong năm vừa qua, nhập khẩu tổng cộng 291.948 tấn, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng lượng mua giảm 4,3% theo giá trị USD.
Xuất khẩu tôm sú của Ấn Độ giảm gần 71%. Tôm sú sang Nhật Bản chiếm 39,7% giá trị xuất khẩu tôm sú của Ấn Độ, tiếp theo là Hoa Kỳ với 26%, Đông Nam Á với 9,3%, EU là 8,9%, Trung Đông với 6% và Trung Quốc chiếm 3,8%.
Doanh số cá đông lạnh của Ấn Độ đứng thứ hai sau tôm, nhưng xuất khẩu cá đông lạnh của nước này giảm 15,8% về khối lượng và 21,7% về giá trị.