(TSVN) – Chính phủ Kazakhstan vừa thông qua kế hoạch phát triển NTTS đầy tham vọng với mục tiêu thúc đẩy sản xuất thủy sản nội địa từ mức sản lượng 7000 tấn/năm hiện nay lên 270.000 tấn vào năm 2030.
Chương trình phát triển NTTS mới được đặt ra nhằm mục đích thay đổi mạnh mẽ diện mạo toàn ngành thủy sản của Kazakhstants. Tiêu thụ thủy sản nội địa hàng năm được kỳ vọng nhảy vọt từ 67.000 tấn lên 134.000 tấn; còn xuất khẩu có thể tăng gấp 4 lần từ 30.000 tấn lên 134.000 tấn, theo nguồn tin của chính phủ. Các trại giống mới quy mô lớn sẽ xuất hiện và các cơ sở chế biến thủy sản cũng được mở rộng để phục vụ nhu cầu tăng trưởng của ngành công nghiệp thủy sản. Việc thực hiện những kế hoạch tham vọng trên đòi hỏi khoản đầu tư khổng lồ 1,43 tỷ USD, biến chương trình này trở thành chiến dịch phát triển NTTS tốn kém nhất từ trước đến nay của chính phủ.
Các nhà đầu tư tư nhân có thể đóng góp khoảng 800 triệu USD và chính phủ sẽ lo phần còn lại. Bộ trưởng Sinh thái, địa chất và nguồn lợi tự nhiên, ông Magzum Mirzagaliyev cho biết chính phủ cũng liều lĩnh đặt cược vào các nhà đầu tư nước ngoài và thu hút vốn để phát triển cơ sở hạ tầng liên quan. Hiện, chính phủ đã triển khai kế hoạch xây dựng 4 nhà máy thức ăn quy mô lớn ở 4 vùng khác nhau trên cả nước với tổng công suất thiết kế 400.000 tấn thức ăn thủy sản mỗi năm. Tới năm 2030, Kazakhstan đặt mục tiêu trở thành cường quốc xuất khẩu thủy sản, với kim ngạch ước tính 330 triệu USD mỗi năm. Con số này cũng sẽ giúp ngành NTTS của Kazakhstan thu hút đầu tư nước ngoài. Trung Quốc đang được xem là thị trường tiềm năng nhất.
Nông dân nuôi thủy sản tại Kazakhstan đều cho rằng chương trình phát triển NTTS rất thực tế. Ông Kuanish Isbekov, Giám đốc Trung tâm sản xuất và khoa học thủy sản LLP dự báo rằng sản lượng thủy sản của cả nước thậm chí có thể vượt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay là chi phí thức ăn có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của người nuôi. Theo Rausahn Khamitova, Giám đốc công ty thủy sản Caspian Riviera LLP, giá thức ăn nhập khẩu tại Kazakhstan hiện có thể so sánh được với giá cá, điều này có nghĩa nếu chính phủ không hỗ trợ chi phí thức ăn thì người nuôi cá sẽ khó có lợi nhuận. Có rất nhiều công ty sản xuất thức ăn tại Kazakhstan nhưng sản phẩm thường kém chất lượng.
Kazakhstann không chỉ nhập khẩu thức ăn, mà còn thiết bị và con giống nên chi phí NTTS cao hơn. Ngành thủy sản tự chủ được 66% nguồn cung con giống cá tầm; và 12% cá chép, các loại cá khác còn lại vẫn phụ thuộc nhập khẩu. Để cải thiện, chính phủ đã xây dựng một mạng lưới trại giống và trung tâm nhân giống nhưng chưa tuyên bố kế hoạch chi tiết. Bất chấp những khó khăn còn tồn tại, nhiều doanh nghiệp vẫn hào hứng tham gia và đặt nhiều kỳ vọng vào chương trình phát triển NTTS của chính phủ.