Mít rớt giá thảm
Đi dọc tuyến quốc lộ 1A về các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang như Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, thị xã Cai Lậy…, chúng tôi bắt gặp màu xanh của cây mít Thái khá nhiều. Khác hẳn với không khí rộn ràng của những năm trước, khi thương lái chạy dọc theo các đường để tìm mua quả thì giờ đây rất ít người mua bán; nhiều cơ sở thu mua mít Thái cũng tạm thời đóng cửa vì không có đầu ra. Cơ sở thu mua mít Thái của ông Nguyễn Văn Bé Em (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã ngừng thu mua gần nửa tháng nay. Ngồi kiểm tra lại sổ sách, ông Bé Em cho biết: “Giá mít Thái lên xuống thất thường. Mỗi ngày từ bốn đến năm lần điều chỉnh giá nhưng lên thì ít mà giảm giá rất nhiều lần. Trong vòng một tháng, cơ sở của tôi đã chịu lỗ trên 70 triệu đồng. Mặc khác, doanh nghiệp thu mua mít của các cơ sở giảm dần số lượng và chọn lựa ngày càng “nặng tay”. Do đó, cơ sở buộc phải đóng cửa để chờ ổn định trở lại”.
Thời đỉnh điểm, giá mít khoảng 60 nghìn đồng/kg, nông dân có thể thu lãi gấp hàng chục lần so với trồng lúa. Tuy nhiện, hiện tại thương lái mua mít Thái loại một với giá mười nghìn đồng/kg, loại hai sáu nghìn đồng và loại ba chỉ ba nghìn đồng. Với giá này, nông dân thu hoạch tại vườn rồi chuyển đến các cơ sở thu mua nên cầm chắc lỗ tiền công chăm sóc, phân bón. Trong khi đó, các cơ sở đều tìm cách để đánh rớt loại nên phần lớn nông dân chỉ bán loại ba nên chẳng thu được bao nhiêu. Người nông dân trồng mít giờ đây không biết phải chuyển đổi sang trồng cây gì.
Ông Nguyễn Văn Bê (ngụ xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnhTiền Giang) chuyển đổi 0,4 ha đất lúa sang trồng chuyên canh cây mít Thái. Đến nay, khu vườn của gia đình ông được hơn ba năm tuổi. Ông Bê tâm sự: “Gần hai năm thu hoạch, gia đình tôi chỉ một lần bán được 23.000 đồng/kg nhưng số lượng không nhiều. Đến khi rộ, giá giao động 5.000-10.000 đồng/kg. Chi phí cho khâu thiết kế vườn, cây giống, phân thuốc…, gia đình chưa thu lại được 1/3 giá trị bỏ ra. Bất mãn, tôi đã trồng xen ổi, chanh vào”. Rất nhiều hộ nông dân khi được hỏi, họ đã “nản” với cây mít Thái.
Đi sâu vào vùng Đồng Tháp Mười, diện tích chuyển đổi từ đất lúa sang trồng mít Thái rất nhiều. Nhưng đó là câu chuyện của vài năm trở về trước còn hiện tại, nhiều hộ có ý định chuyển đổi đã ngưng lại. Ông Lê Minh Anh (ngụ xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã đặt tiền cọc để thuê máy đào đất cho khu ruộng 0,7 ha đất lúa sang trồng mít Thái.
Trước thực trạng giá mít ở mức thấp, đầu ra khó khăn và giá lúa cao nên ông đã ngừng chuyển đổi, tiếp tục gắn bó với cây lúa. Ông Minh Anh nói: “Nếu trồng mít gia đình bỏ ra ít nhất 300 triệu đồng để lên liếp đất, lắp hệ thống ống nước, máy bơm tưới… Ngoài ra, tiền giống, phân thuốc bảo vệ thực vật… gần hai năm đợi thu hoạch quả khoảng 100 triệu đồng. Với chi phí này, giá mít ở mức 20.000 đồng/kg trở lại thì lỗ nặng. Do đó, gia đình quyết từ bỏ ý định theo trồng mít Thái”.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, địa phương có khoảng 13.200 ha đất trồng mít, trong đó, diện tích cho quả trên 7.300 ha. Khi giá mít xuống thấp, nhiều nông dân chịu cảnh thua lỗ.
Tương tự, trong ba năm trở lại đây nông dân tỉnh Long An đã chuyển đổi hơn 1.700 ha đất lúa vụ sang trồng mít Thái. Huyện Tân Thạnh (tỉnh Long An) nằm trên cánh Đồng Tháp Mười là địa phương có nhiều diện tích trồng mít nhất với hơn 880 ha kế đến là các Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa…
Ông Phạm Văn Bảy (ngụ ấp Kinh Bích, xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) cho biết: “Gia đình đang canh tác một ha mít, bốn năm tuổi. Thời gian gần đây mít thương phẩm đang giảm sâu, mít loại một giá chỉ còn khoảng 11.000 đồng/kg còn bán xô chỉ 3.000 đồng/kg. Với giá hiện tại thì xem như lứa mít này thu hoạch không có lãi”. Theo nhiều nông dân và thương lái, giá mít Thái giảm sâu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid–19 việc vận chuyển khó khăn; thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc nên khi không xuất được quả mít bị dư thừa, thị trường nội địa tiêu thụ rất ít.
Cây giống cũng đìu hiu
Khi phong trào trồng cây mít Thái nở rộ tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như: Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Long An… thì nhu cầu cung ứng cây giống cũng tăng theo. Tại huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) được xem là trung tâm sản xuất cây giống của vùng và cả nước cũng tăng sản lượng sản xuất cây mít Thái lên rất nhanh.
Nông dân Nguyễn văn Nhiên, ngụ xã Tân Thiềng (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) trồng 1.000 m2 cây mít giống cho biết: “Thấy giá cây mít giống tăng cao, nhu cầu lớn nên rất nhiều người ươm cây mít nguyên liệu để bán cho các cơ sở ghép cây giống. Gia đình tôi cũng đầu tư trồng vì thời gian ươm hạt chỉ khoảng sáu tháng là thu hoạch lại bán được giá cao. Tuy nhiên, do nhà nhà cùng trồng nên gần đây giá cây mít con nguyên liệu giảm sâu, nhiều người không bán được. Gia đình tôi mới bán toàn bộ vườn được 56 triệu đồng, chỉ bằng phân nửa so với trước đây nên chẳng thu lợi nhuận được bao nhiêu”. Nhiều cơ sở kinh doanh cây giống cũng chung cảnh ế ẩm.
Bà Huỳnh Thùy Trang, chủ cơ sở mít Thái giống tại xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết: “Trước đây, mỗi ngày, cơ sở của bà cung cấp cho thị trường 2.000-3.000 cây, thậm chí có lúc gần 6.000 cây. Nhưng, hơn một năm nay, cơ sở đã giảm giá từ 25.000-35.000 đồng/cây xuống còn dưới 20.000 đồng/cây. Vậy mà, mỗi ngày, chúng tôi chỉ bán ra được vài chục cây. Không đủ chi phí, cơ sở đành phải đóng cửa”.
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết: “Hiện tại, toàn huyện Chợ Lách có khoảng 1.500 ha đất chuyên sản xuất cây giống thì có đến 60% là cây mít Thái. Hằng năm cho ra thị trường hàng chục triệu cây giống mít Thái.
Không chỉ trồng trong huyện mà một số nông dân còn thuê đất ở các tỉnh chung quanh trồng cây nguyên liệu rồi vận chuyển về huyện Chợ Lách để ghép, bán ra thị trường nên sản lượng rất lớn. Thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá mít quả xuống thấp, kéo theo giá cây giống cũng giảm theo”.
Cần thận trọng khi chuyển đổi
Theo nhiều nông dân chuyên làm cây giống, khi nhu cầu không còn họ sẽ chuyển sang trồng các giống cây trồng khác như: sầu riêng, dừa, bưởi da xanh, mãng cầu… khá nhanh. Trong khi đó, người trồng cây lấy quả phải mất nhiều năm mới chuyển đối nên thiệt hại khá lớn. Bài học về việc trồng rồi đốn bỏ không bao giờ cũ đối với nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, nhiều nông dân bất chấp quy hoạch, khuyến cáo của ngành nông nghiệp ồ ạt chuyển đổi sang trồng một loại cây trồng, khi “dội chợ”, bị mất giá lại chịu cảnh thua lỗ.
Một số nông dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn quả nhưng đầu tư khoa học kỹ thuật, sản xuất theo chuẩn hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm sạch được xem là hướng đi hợp lý. Ông Nguyễn Văn Khiêm, ngụ thành phố Bến Tre (tỉnh Bến Tre) thuê 10 ha đất để trồng sầu riêng, mít Thái theo chuẩn hữu cơ cho biết: “Cây mít Thái có tiềm năng khá lớn để xuất khẩu nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh nên bị rớt giá. Tôi đầu tư bài bản để trồng mít Thái theo chuẩn hữu cơ nên không lo về giá vì sản phẩm sạch, đã ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp. Theo tôi, trồng mít Thái sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường khó tính là hướng đi bền vững cho người trồng mít trong thời gian tới”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho rằng, thực trạng này từ trồng lúa sang trồng mít không chỉ ở Tiền Giang mà của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Người dân tự ý phá vỡ quy hoạch, tự ý chuyển đổi sang cây trồng là do nhiều nguyên nhân, trong đó, yếu tố thị trường chi phối lớn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, diện tích chuyển đổi tự phát không còn nhiều. Quan điểm ngành nông nghiệp của tỉnh là kiên trì tuyên truyền cho người dân không làm sai các quy định, vận dụng và đề xuất các chính sách hỗ trợ để họ phát triển trồng trọt, chăn nuôi bền vững.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam Võ Hữu Thoại cho biết, trong thời gian qua, người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn trái rất nhiều. Việc chuyển đổi này nhằm nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, nông dân phát triển theo kiểu tự phát thì phải xem lại. Bởi, đến thời điểm nhất định, cung vượt cầu thì giá sẽ giảm thê thảm. Việc tự ý chuyển đổi như vậy cũng xảy ra nhiều hệ lụy như: loại cây chưa chắc gì phù hợp với đất, kỹ thuật của nông dân chưa có, đê bao không được khép kín…
Sự Trung Phong