An Bình (đảo Bé) là một xã đảo của huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi. Mùa biển động đảo Bé thường xuyên bị chia cắt, cô lập với bên ngoài, nên cuộc sống người dân nơi đây gặp muôn vàn khó khăn. Đặc biệt là tình trạng thiếu lương thực thường xuyên tái diễn mỗi khi đảo bị cô lập bởi thời tiết xấu. Trước tình hình đó, người dân đảo bé đã tự chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm để sử dụng trong mùa biển động.
Năm nào cũng vậy, cứ bước vào tháng 10 hằng năm, ông Bùi Mã, ở thôn Mom Tàu luôn dành ít thời gian bên chiếc Radio cũ của mình để cập nhật thông tin dự báo thời tiết quan trọng. Mỗi khi có tin biển động dài ngày ông lại tranh thủ ngược biển về đảo lớn (trong những ngày tàu thuyền còn đi lại được) để mua lương thực, nhu yếu phẩm cho gia đình. Mùa biển động năm nay về đảo lớn ông đã mua cho gia đình 75kg gạo và một số nhu yếu phẩm cần thiết khác để sử dụng được trong khoảng 20 ngày cô lập. Cố gắng lắm gia đình ông Mã cũng chỉ mua được chừng ấy, bởi cuộc sống gia đình ông còn khó khăn.
Một góc xã An Bình hôm nay – Ảnh: PV
Ông Bùi Mã sống và lập nghiệp tại xã đảo An Bình đã gần 50 năm, cũng chừng ấy thời gian gia đình ông luôn có thói quen dự trữ gạo vào mùa biển động và dường như không có năm nào là gia đình ông không tích trữ. Ông Bùi Mã tâm sự: “Nhờ chủ động lương thực từ trước, nên mùa biển động năm nay gia đình tôi rất yên tâm, không lo chuyện thiếu lương thực trong những ngày cuối năm nữa”.
Còn gia đình bà Đặng Thị Úc, ở khu dân cư số 1 xã đảo An Bình cho biết, mùa biển động năm 1999, tức là 13 năm đã qua nhưng tâm trí bà vẫn nhớ rõ việc đảo bé nơi bà hiện đang sinh sống đã bị cô lập với bên ngoài. Gần 30 ngày bị cô lập, cuộc sống của gia đình bà và người dân đảo bé gần như bị đảo lộn. Nhà nhà thiếu cái ăn, cái mặc, nhưng nhờ phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” nên đã đùm bọc, nhường nhịn, san sẻ cho nhau cái ăn, cái mặc để vượt qua khó khăn trước mắt.
Năm ấy cũng nhờ sự viện trợ bằng đường hàng không của Quân khu V đã cứu đói cho người dân nơi này. Từ năm ấy đến nay, không có năm nào người dân trên đảo bé chủ quan về khâu dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm mùa biển động. Và những người dân đảo bé đã xem việc làm ấy như một tập quán sinh sống của họ. Đồng thời họ cũng không trông chờ, ỷ lại vào chính quyền địa phương khi đầu tháng 8/2011 đảo bé đã được đầu tư kho dự trữ lương thực.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Minh Hoằng – Phó Chủ tịch UBND xã đảo An Bình cho biết: “Cùng với việc bảo đảm an toàn cuộc sống cho người dân mùa biển động, chính quyền xã còn tích cực vận động nhân dân chủ động dự trữ lương thực vào mùa biển động, trong đó chủ yếu là dự trữ gạo, mỗi gia đình dự trữ sử dụng được khoảng 15-20 ngày khi bị cô lập và tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình để dự trữ”.
Đảo bé dù đã được Chính phủ, các tổ chức trong và ngoài nước quan tâm hỗ trợ về mặt an sinh xã hội, tuy nhiên cuộc sống người dân trên đảo còn nhiều khó khăn. Dù vậy, người dân vẫn cần cù, chịu khó bám trụ để sinh sống và lao động. Mùa biển động, những con sóng dữ bạc đầu như muốn nuốt chửng hòn đảo, nhưng với ý chí kiên cường bất khuất, người dân đảo bé đã tạo nên sức mạnh đẩy lùi những con sóng dữ ấy về với biển cả.