(TSVN) – Hiện nay, không ít xưởng đóng và sửa chữa tàu cá ở các địa phương ven biển miền Trung gặp nhiều khó khăn khi thiếu vắng việc làm. Ngoài lý do khách quan là tình hình dịch COVID-19 khiến khâu nguyên liệu đầu vào của các xưởng này “bí”, thì còn những nguyên nhân chủ quan rất nổi cộm.
Tại Hà Tĩnh, xưởng đóng tàu bên dòng sông La một thời nức tiếng, đông vui nhộn nhịp, giờ tĩnh lặng, trầm mặc. Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Phạm Tám, nguyên Chủ nhiệm HTX đóng tàu thuyền Lý Chính Thắng (thời kỳ 1973 – 1992) ở Bến Đền, ngậm ngùi cho biết: Thời vượng nhất, HTX có tới 350 hội viên. Các thuyền đóng ra được bán đi khắp các tỉnh, thành như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình… Trong đó, thuyền lớn đánh bắt xa bờ là sản phẩm chủ lực được ngư dân lựa chọn. Nhưng hiện nay, cả thôn chỉ còn 2 xưởng hoạt động cầm chừng của ông Dương Quốc Huân và ông Nguyễn Công Hoành. Mỗi xưởng cũng chỉ chừng 3 – 5 thợ hoạt động, chủ yếu đóng những thuyền công suất nhỏ và thuyền nhỏ để cứu trợ lũ lụt.
Theo ông Dương Quốc Huân (chủ xưởng đóng thuyền ở thôn Bến Đền), cách đây nhiều năm, xưởng của ông đóng khoảng 50 – 70 chiếc thuyền lớn/năm (loại thuyền đánh bắt xa bờ, dài 20 m, rộng 6 m). Còn vài năm trở lại đây, nhiều nhất cũng chỉ đóng được 20 chiếc.
Tại Nghệ An, làng Trung Kiên (thuộc xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc) là một trong những làng đóng tàu có lịch sử hàng trăm năm. Thế nhưng, vài năm trở lại, làng nghề đìu hiu vì vắng khách. Ông Võ Thế Xâm (64 tuổi), một trong những chủ cơ sở đóng tàu quy mô lớn nhất làng cho biết, chỉ cách đây 5 năm, làng có tới 42 cơ sở đóng tàu thuyền, tiếng cưa đục nhộn nhịp cả ngày; nhưng hiện nay rất vắng khách, hoạt động cầm chừng.
Cùng hoàn cảnh, triền đà đóng tàu Cổ Lũy (xã Nghĩa An, Nghĩa Phú, Quảng Ngãi) những năm trước luôn tấp nập tàu đóng mới, sửa chữa, cải hoán, nhưng nay thì làng nghề này rất vắng vẻ.
Trả lời cho câu hỏi vì sao làng nghề đóng tàu đang ngày càng mai một? Một số nghệ nhân chia sẻ rằng, những năm gần đây, Nhà nước có chính sách thúc đẩy ngư dân đánh bắt xa bờ, với nhiều ưu đãi cho những tàu có công suất lớn, hiện đại bằng vỏ thép. Thế nên, nhiều ngư dân đổi hướng, tận dụng nguồn hỗ trợ để mở rộng “giấc mơ” vươn khơi xa làm ăn lớn. Hơn nữa, các loại tàu nhựa composite, nhôm, sắt nhanh chóng chiếm được cảm tình của ngư dân vì độ an toàn cao, khả năng bảo quản sản phẩm và sức tải “trội” hơn hẳn tàu gỗ.
Theo các thợ lành nghề trong làng, nghề đóng thuyền hiện nay thu nhập khá bấp bênh, tháng có tháng không. Thế nên các chủ xưởng không dám liều lĩnh sản xuất ra sẵn, mà đợi có đơn hàng mới khởi công. Do vậy, thợ thuyền cũng buộc phải tìm hướng khác mưu sinh. Lớp “hậu sinh” gần như không có.
Ngoài những lý do này, một trong những nguyên nhân khiến nghề đóng tàu vùng biển miền Trung đìu hiu là do nghề cá bây giờ cũng không còn “vượng” như nhiều năm trước. Theo phản ánh của nhiều ngư dân, hiện nay số tàu khai thác trúng không nhiều, sản lượng mỗi chuyến biển giảm đáng kể dẫn tới nguồn thu thấp, khiến lao động nghề biển không mấy mặn mà. Anh Phạm Gia Sơn, chủ tàu TH 91199 TS chia sẻ, nếu trước đây, mỗi tháng tàu ra khơi vào lộng 3 – 4 lần, trên tàu duy trì từ 12 – 14 lao động, nhưng hai năm trở lại đây, việc ra khơi gặp nhiều khó khăn, nhất là tình trạng khan hiếm lao động.
Xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An trước đây nổi tiếng với nghề đi biển; hơn 90% người dân trong xã đánh bắt hải sản. Năm 2018, toàn xã còn trên 90 tàu khai thác xa bờ, nhưng đến tháng 4/2021 chỉ còn lại hơn 55 chiếc. Do tình hình khai thác hải sản không đáp ứng được thu nhập, nên nhiều người đã bán tàu và chuyển đổi nghề.
Cùng với việc lao động nghề cá ngày càng hiếm, thì sản lượng khai thác mỗi chuyến biển cũng kém, khiến nhiều chủ tàu “tiến thoái lưỡng nan”. Bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, qua các năm, hải sản ngày càng có dấu hiệu giảm sút về trữ lượng lẫn chất lượng. Các loại hải sản chủ yếu hoạt động ở tầng mặt nước như cá cơm, chỉ vàng, ruốc… sản lượng thấp, giá trị không cao.
Thu nhập từ nghề biển ngày một thấp, đã khiến lao động rời vùng biển, để gia nhập các khu công nghiệp hay xuất khẩu lao động, khiến cho hoạt động khai thác hải sản của nhiều địa phương gặp khó khăn. Hệ lụy gián tiếp là nhiều xưởng đóng tàu tại các vùng biển buộc phải “giải nghệ”.
Phan Thảo