21 nông dân chuyển sang nuôi cá, mỗi người dễ dàng kiếm được thu nhập hơn 40 triệu đồng một năm. Với họ, nuôi cá không chỉ là một nghề mà còn là một thú vui. Họ là những thành viên câu lạc bộ (CLB) nuôi cá nước ngọt Hóc Khế tại tổ 7 và 8, thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong (Hòa Vang).
Chuyển đổi từ cây lúa
Hóc Khế là vùng đất trũng, đất nông nghiệp hầu như bị nhiễm phèn nặng. Cây lúa phát triển chậm, thường bị sâu bệnh khiến hiệu quả kinh tế rất thấp. Năm 2006, Sở NN&PTNT lên thị sát thực tế, vạch đề án chuyển đổi diện tích canh tác nông nghiệp sang nuôi thủy sản. Khắc phục khó khăn trong việc “dồn điền đổi thửa”, với diện tích đất hơn 3,8ha của các hộ chuyển sang nuôi thủy sản được hỗ trợ đào ao. Khấp khởi với niềm vui được chuyển đổi ngành nghề nhưng cũng lắm nỗi lo toan. “Xưa nay quen với việc chăm sóc cây lúa chờ đến ngày thu hoạch, giờ chuyển hẳn sang nuôi cá, cả xóm ai cũng ăn ngủ không yên, lo lắm”, chị Nguyễn Thị Quý cho biết.
Anh Trần Sinh đang cho cá ăn.
Năm 2007, CLB nuôi cá Hóc Khế ra đời, nhằm tháo gỡ những khó khăn, tạo tính liên kết, hỗ trợ nhau trong quá trình phát triển. Ban đầu với 17 hộ tham gia, còn nhiều hạn chế về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản và khó khăn về nguồn vốn nên mô hình khá manh mún. Rô phi, trê, lóc là những loại cá được chọn nuôi vì đặc tính dễ thích nghi, chăm sóc không phức tạp và đồng nghĩa với việc thu nhập không cao hơn so với trồng lúa là bao. Trăn trở với việc làm thế nào để mô hình phát triển mạnh, nhân rộng hơn, hiệu quả kinh tế cao, các thành viên CLB đã tìm hiểu kỹ thuật qua sách báo, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, quyết tâm vay vốn đầu tư lớn, mở rộng quy mô nuôi. Đáp ứng nguyện vọng của bà con, Trung tâm Khuyến ngư – nông – lâm thành phố đã tổ chức các hội thảo (2 lần/năm) phổ biến, cung cấp tài liệu kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, mở các khóa học nuôi thủy sản, cấp chứng chỉ cho các học viên CLB. Có vốn, có kỹ thuật, các thành viên mạnh dạn đầu tư cải tạo hồ nuôi, mở rộng con vật nuôi, nắm bắt thị trường, tập trung nuôi loại cá diêu hồng. Diêu hồng được cho là giống cá có đặc tính thích nghi tốt với điều kiện nguồn nước tại địa phương, quá trình chăm sóc không khó, cho hiệu quả kinh tế cao so với nhiều giống cá khác.
Làm giàu trên ao nhà
Từ những mảnh đất nhiễm phèn, giờ đây về Hóc Khế thấy đâu cũng ao cá, cuộc sống người dân khấm khá từng ngày. Mô hình Tổ hợp tác nuôi cá đã giải quyết hơn 50 lao động địa phương với thu nhập cao. Không dừng lại chỉ nuôi đơn thuần một giống cá mà xen canh nhiều loại cá khác nhau như diêu hồng, rô phi, mè, trắm…, nuôi trong ruộng lúa mang lại hiệu quả cao. Năm 2011, CLB nuôi thử nghiệm cá lóc trong lồng, bước đầu cho kết quả tốt và tiến hành mở rộng quy mô. Anh Trần Sinh ở tổ 7 chia sẻ với chúng tôi: Trước đây với 4 sào ruộng trũng, trồng lúa không dư nhiều, có mùa mất trắng do thời tiết, anh quyết định đào ao nuôi cá. Mỗi vụ anh thả khoảng 5.000 cá giống diêu hồng và một số loại cá khác, sau 4 tháng cho thu hoạch, bán ngay tại hồ với giá 37.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi hơn 15 triệu đồng. Năm làm 2 vụ, anh có thu nhập ổn định khoảng 30 triệu đồng, gấp 5 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích. Ngoài ra, CLB còn có một số cá nhân tiêu biểu như các anh Nguyễn Văn Luận, Nguyễn Vũ, Trần Giải… Đặc biệt, 2 anh Ngô Ngọc Hưng (26 tuổi) và Thái Bá Sỹ (30 tuổi) chịu khó học hỏi, mạnh dạn, tư duy nhạy bén trong cách làm ăn, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm… Các anh vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của – giải thưởng tuyên dương những thanh niên nông thôn tiêu biểu trong quá trình phát triển kinh tế do Trung ương Đoàn phát động.
“Nuôi cá là để làm giàu nhưng nó cũng như một thú vui, khá nhàn nhã, có nhiều thời gian để làm việc khác kiếm thêm thu nhập nên cuộc sống của các thành viên CLB được nâng cao, có điều kiện cho con cái ăn học hơn”, ông Lê Ích Dũng, Chủ nhiệm CLB nuôi cá Hóc Khế chia sẻ. Ông cho biết thêm: Giá cả thị trường dao động, nếu nuôi trùng, thu hoạch cùng lúc dễ bị thương lái ép giá, “mẹo nhỏ” để tránh chịu thiệt là phân bổ các thành viên nuôi xen kẽ nhau, với nhiều loại giống cá khác nhau. Thấy được hiệu quả kinh tế cao từ việc nuôi cá, hiện bà con rất mong muốn mở rộng diện tích ao nuôi trên những mảnh ruộng bỏ hoang hoặc cho năng suất lúa kém, nhưng họ không thể tự quy hoạch, thiết kế kênh mương dẫn nguồn nước vào – ra ao. Họ còn gặp khó khăn trong vay vốn đầu tư con giống, thức ăn, máy tạo khí, thuốc phòng, chữa bệnh… Rất mong được chính quyền, các ngành chức năng quan tâm tạo điều kiện để phát triển, nhân rộng mô hình.