(TSVN) – Các kết quả nghiên cứu thử nghiệm cho thấy, hỗn hợp chiết xuất thực vật (hạt dẻ và cây mẻ rìu) có thể cải thiện hàng rào bảo vệ vật nuôi, tình trạng kháng ôxy hóa và hỗ trợ hiệu suất nuôi trồng trong các điều kiện thử thách dịch bệnh.
Polyphenol là nhóm hợp chất lớn nhất thuộc hóa chất thực vật do các loài cây tự sản sinh ra để bảo vệ chúng trước sự tấn công của vi khuẩn, virus và nấm mốc. Hạt dẻ (Castanea sativa) và cây mẻ rìu (Schinopsis spp.) là hai nguồn thực vật quan trọng của nhóm Polyphenol tự nhiên từ thực vật có khả năng hoạt động hiệp đồng khi được kết hợp với nhau. Hiệu lực tổng từ sự kết hợp này là kháng khuẩn, kháng ôxy hóa, kháng viêm, kích thích miễn dịch và điều tiết hệ vi khuẩn.
Một loạt nghiên cứu thử nghiệm phối hợp với phòng thí nghiệm Sudvet Lab và Đại học Austral tại Chilê nhằm đánh giá hiệu lực bảo vệ của hỗn hợp chiết xuất thực vật (Silvafeed TSP) trên cá hồi và cá hồi vân trong các điều kiện thử thách với dịch bệnh. Ban đầu, hỗn hợp chiết xuất thực vật tạo ra hiệu lực ức chế mạnh mẽ những mầm bệnh do vi khuẩn gây ra trên cá hồi trong điều kiện in vitro (Piscirickettsia salmonis và Flavobacterium psychrophylum).
Trong thử nghiệm trên, cá được cho gây nhiễm vi khuẩn gây bệnh Piscirickettsia salmonis qua đường tiêm màng bụng. Vi khuẩn này là tác nhân gây ra bệnh nhiễm trùng huyết (SRS) trên cá hồi; phần lớn kháng sinh được sử dụng trong nuôi cá hồi tại Chilê cũng do bệnh này. Các kết quả chỉ ra, bổ sung 0,25% hỗn hợp chiết xuất thực vật đạt hiệu quả bảo vệ cá hồi trước dịch bệnh, đồng thời giảm đáng kể tỷ lệ chết sau gây nhiễm (31% và 60% ở nhóm đối chứng – Hình 1a).
Trong thử nghiệm in vivo thứ 2, cá hồi vân cho gây nhiễm vi khuẩn Flavobacteriosis. Sau 2 tuần thích ứng với môi trường bể, cá hồi vân được điều trị hàng ngày bằng kháng sinh florfenicol (nhóm đối chứng) hoặc bổ sung 0,25% hỗn hợp chiết xuất thực vật (nhóm Silvafeed TSP). Kết quả rất tích cực, khi cá hồi vân được ăn bổ sung Silvafeed TSP đạt tỷ lệ chết thấp và hiệu suất tương tự như cá hồi vân điều trị bằng kháng sinh (Hình 1b).
Những tác động có lợi của hỗn hợp chiết xuất hạt dẻ và cây mẻ rìu như kháng viêm, kháng ôxy hóa và điều chỉnh miễn dịch đã thu hút nhiều sự quan tâm của các chuyên gia dinh dưỡng. Tuy nhiên, cho đến nay, thông tin trên các loài thủy sản rất khan hiếm. Để lấp bổ sung thêm thông tin, Đại học Sannio (Italy) và Gorgan (Iran) đã nỗ lực nghiên cứu để đánh giá hiệu lực của hỗn hợp chiết xuất thực vật nói trên lên đáp ứng miễn dịch và tình trạng kháng ôxy hóa trên cá chép.
Sau 8 tuần, bổ sung 0,2% hỗn hợp chiết xuất thực vật vào khẩu phần ăn của cá chép đã cải thiện đáng kể các thông số miễn dịch trên màng nhày da cá và các mẫu huyết thanh của cá chép non (số lượng leukocyte, sản sinh immunoglobulin, hoạt tính lysozyme, p<0,05) so với nhóm đối chứng (Hình 2a). Hơn nữa, hỗn hợp chiết xuất thực vật kích thích hoạt tính của các enzyme kháng ôxy hóa (peroxidase và catalase) và cải thiện hàng rào kháng ôxy hóa của cá chép non (p<0,05). Kết quả, cá chép ăn bổ sung hỗn hợp chiết xuất thực vật được cải thiện đáng kể về tăng trưởng (tăng trọng 18,7 g so với nhóm đối chứng 13,8 g) và hiệu quả sử dụng thức ăn (FCR 2,1 so với nhóm đối chứng là 2,9).
Các nghiên cứu trên đã khẳng định nhiều lợi ích của chiết xuất thực vật hạt dẻ và mẻ rìu (Silvafeed TSP) trên các loài cá. Hiện, các chuyên gia sẽ tìm hiểu sâu hơn về hiệu lực điều chỉnh của hỗn hợp này trên hệ vi khuẩn đường ruột của cá.
Dũng Nguyên
Theo Fishfarming