(TSVN) – Phát biểu tại Lễ ký kết chương trình phối hợp hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2021 – 2030 giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 25/6; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh, giá trị tạo ra từ ứng dụng khoa học công nghệ đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng ngành nông nghiệp.
Theo đó, việc hợp tác giữa hai Bộ được kỳ vọng sẽ góp phần đưa công tác nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp lên một tầm cao mới. Việc ký kết chương trình phối hợp có ý nghĩa quan trọng nhằm thống nhất chủ trương, định hướng của hai Bộ này là ưu tiên nguồn lực để tập trung nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, từ chuỗi liên kết cung ứng sang liên kết giá trị ngành hàng, chuyển từ nền nông nghiệp sản lượng cao sang nông nghiệp công nghệ cao, trách nhiệm và bền vững…
Theo biên bản ký kết giữa hai Bộ, hai bên sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm. Trong đó tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn toàn, hữu cơ, công nghệ sinh học… Các công nghệ hướng tới tối ưu hóa quá trình sản xuất quản trị, chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn… Mục đích đưa nông nghiệp nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng sống người dân. Các công nghệ tập trung vào chế biến sâu, công nghệ bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Hai Bộ sẽ phối hợp xây dựng một số cụm nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia, một số Chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ, tập trung cho một số ngành hàng, sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, đặc biệt chú trọng đến nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến sâu, công nghệ bảo quản, đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo nên những đột phá về chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng và cải thiện sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Một số sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ đưa vào chương trình sản phẩm quốc gia đến năm 2030. Các danh mục 5 sản phẩm quốc gia hiện nay (lúa gạo, nấm, cà phê, cá da trơn và tôm nước lợ) đã phê duyệt trong giai đoạn đến năm 2020 sẽ được rà soát, đánh giá lại để tiếp tục trong giai đoạn 2021 – 2030.