(TSVN) – Mới đây, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã có công văn đề nghị các doanh nghiệp thực hiện đăng ký cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản xuất khẩu vào các thị trường.
Theo đó, để giúp các doanh nghiệp chủ động trong việc lập kế hoạch đăng ký tham gia Chương trình chứng nhận thủy sản xuất khẩu theo quy định tại Điều 20, 21 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT và các Thông tư sửa đổi, bổ sung; Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thông báo thời điểm, tần suất gửi danh sách cập nhật các cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu lập danh sách. Cụ thể, trước ngày thứ 4 tuần cuối cùng của tháng trước kỳ báo cáo, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu gửi văn bản cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin theo yêu cầu tương ứng của từng thị trường để đăng ký bổ sung vào danh sách được phép xuất khẩu hoặc có sửa đổi thông tin trong danh sách về Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản hoặc các Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Trung bộ, Nam bộ (theo địa bàn) để tổng hợp đăng ký với các thị trường. Hồ sơ gửi sau ngày này sẽ tổng hợp để đăng ký vào kỳ kế tiếp.
Đối với doanh nghiệp đã có tên trong danh sách, nhưng có đề nghị thay đổi thông tin (tên, địa chỉ bằng tiếng Anh; mã số), chỉ sử dụng các thông tin đề nghị thay đổi sau khi được Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu chấp thuận.
Theo văn bản này của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, có tất cả 12 quốc gia, vùng lãnh thổ yêu cầu lập danh sách, bao gồm: Hàn Quốc; Indonesia; Trung Quốc; EU (bao gồm 27 nước thành viên) và Na Uy, Thụy Sỹ; Vương quốc Anh (nước Anh, xứ Wales, Scotland); Đài Loan; Argentina; Ả rập Saudi (thủy sản khai thác); Brazil; Liên minh kinh tế Á – Âu; Ukraina; Panama. Trong đó, trừ Trung Quốc và EU yêu cầu báo cáo định kỳ hàng quý, còn lại là báo cáo định kỳ hàng tháng.