Cơ quan chức năng đang tìm cách xử lý hậu quả dịch bệnh. Người nuôi trồng thủy sản đang chưa biết làm sao, bởi vốn liếng đã gần như mất sạch, khả năng phục hồi sản xuất là rất khó.
Dịch bệnh trên diện rộng
Cuối năm 2011, dịch bệnh khiến hàng trăm hộ nuôi tu hài vịnh Lan Hạ, quần đảo Cát Bà (Cát Hải) thiệt hại gần 200 tỷ đồng. Đầu năm 2012, một số hộ trở lại nuôi tu hài, nhưng lại xuất hiện tu hài chết vì dịch bệnh.
Dịch bệnh ở các loài thủy sản có giá trị gây thiệt hại lớn
Thủy triều đỏ nhiều lần xuất hiện trên diện rộng tại Cát Bà làm chết hơn 3.000 tấn ngao nuôi, ngao chết 30 – 40%, có bãi lên tới 90%, gây thiệt hại 60 tỷ đồng. Từ tháng 4 – 7/2012 xuất hiện 4 đợt thủy triều đỏ, các loài tảo gây hại ngày càng đa dạng, thủy triều đỏ tác động môi trường và kinh tế nghiêm trọng hơn nhiều so với đánh giá trước đây; bên cạnh đó, còn xuất hiện thêm nhiều loại tảo khác có khả năng sinh độc tố. Thủy triều đỏ lan suốt vùng ven biển Hải Phòng, nhất là Cát Bà đến Đồ Sơn. Gần đây, dịch bệnh trên diện rộng đã xuất hiện ở tôm nuôi tại các quận Dương Kinh, Đồ Sơn và các huyện Tiên Lãng, Thủy Nguyên, Kiến Thụy…
Hệ lụy kéo theo
Chi cục Thú y Hải Phòng cho biết: Sau đợt dịch bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và tế bào biểu mô (IHHNV) xảy ra từ 18 – 24/4 tại phường Tân Thành, quận Dương Kinh, còn thêm 3 đợt dịch. Đợt 1 từ ngày 2 – 12/5 tại 11 hộ nuôi tôm thẻ và tôm sú thuộc phường Tân Thành xuất hiện tôm lờ đờ, bơi dạt bờ, bỏ ăn và chết sau khoảng 30 ngày thả nuôi; diện tích bị bệnh 12,2 ha; tôm giống thiệt hại 1,43 triệu con. Ngày 28/5, tại một số hộ nuôi thuộc phường Tân Thành, tôm có dấu hiệu bệnh. Đợt 3, từ 4/6 đến hạ tuần tháng 7, tại phường Tân Thành thêm 13 hộ nuôi tôm có dấu hiệu bệnh, diện tích bị bệnh 8 ha, tôm giống chết khoảng 650.000 con…
>> Ô nhiễm môi trường nước gia tăng, trong khi các hộ nuôi trồng thủy sản không thực hiện nghiêm quy trình được hướng dẫn; công tác thú y thủy sản còn yếu và thiếu lực lượng… khiến dịch bệnh bùng phát gây thiệt hại lớn. |
Bệnh IHHNV còn xuất hiện tại các xã Gia Đức (Thủy Nguyên), Tiên Hưng (Tiên Lãng). Tại Gia Đức, phát hiện mẫu tôm thẻ chân trắng ở một số hộ dương tính virus IHHNV. Tại Tiên Hưng, 4 ha tôm nuôi bị bệnh đốm trắng (WSSV), số con giống bị bệnh khoảng 47.000.
Từ tháng 4 – 7/2012, tại vùng nuôi trọng điểm của Hải Phòng xuất hiện 2 bệnh nguy hiểm trên tôm là IHHNV và WSSV; diện tích bị bệnh 25,42 ha, số con giống thiệt hại 3,39 triệu. Cuối tháng 7, dịch bệnh tiếp tục lan rộng.
Bên cạnh đó, ô nhiễm xảy ra ở hầu hết vùng nuôi thủy sản nước ngọt các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, An Dương, Thủy Nguyên…, các quận Dương Kinh, Kiến An, Hải An… Chi cục Thú y Hải Phòng phát hiện nhiều vi khuẩn gây hại thủy sản và ô nhiễm môi trường nước; 16/104 mẫu cá xét nghiệm bị nhiễm vi khuẩn vibro (gây bệnh nguy hiểm cho tôm, cá nuôi); 7/88 mẫu nhiễm vi khuẩn flavobacterium sp, tập trung tại Vĩnh Bảo. Vi khuẩn này gây bệnh mòn vây, cụt đuôi cá; 58/88 mẫu cá xét nghiệm nhiễm vi khuẩn Staphylococcus sp, gây ngộ độc thực phẩm. Một số mẫu tại quận Dương Kinh, quận Đồ Sơn và các huyện Tiên Lãng, Kiến Thụy, mật độ vibrio sp vượt ngưỡng cho phép. Các vi khuẩn này gây tình trạng cá chết tại vùng nuôi tập trung, đặc biệt tăng vào những ngày nắng nóng.
>> Theo Phòng Nuôi trồng Thủy sản (Sở NN&PTNT) Hải Phòng, cơn bão số 8 đã gây thiệt hại 124 phương tiện tàu thuyền trong đó 53 phương tiện bị đắm, 71 phương tiện bị hư hỏng; về nuôi trồng, có hơn 2.527ha thiệt hại, trị giá lên tới 154,603 tỷ đồng, 12 trại sản xuất giống bị tốc mái, nhiều giống thủy sản bị chết… Ngay sau khi bão tan, Phòng Nuôi trồng Thủy sản đã phối hợp với phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế các địa phương hướng dẫn kiểm tra, gia cố lại hệ thống bờ đầm nuôi trồng thủy sản. Đối với các hộ nuôi bị ngập úng, cần thực hiện ngay phương án tiêu thoát nước; đối với các đối tượng thủy sản đã đạt kích cỡ thương phẩm, cần thu hoạch không lưu giữ tránh phát sinh bệnh, đảm bảo hiệu quả kinh tế. Tổng kinh phí hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại là hơn 9,2 tỷ đồng. |