(TSVN) – Tôm càng xanh là một trong những đối tượng thủy sản nuôi chủ lực sau cá tra, tôm sú và TTCT ở ĐBSCL. Đây cũng là đối tượng nuôi đang được phát triển, nhằm hướng đến mục tiêu kép là vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa đảm bảo an ninh lương thực; đồng thời tăng thu nhập, qua việc gia tăng giá trị sản phẩm và gắn với tiêu thụ.
Việt Nam là một trong trong những nước nuôi tôm càng xanh lớn trên thế giới (sau Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan). Vùng nuôi trọng điểm là ĐBSCL (nhiều nhất ở các tỉnh: Kiên Giang, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh).
So với các loại tôm khác, tôm càng xanh nhất là tôm càng xanh toàn đực, còn mang nhiều đặc tính ưu việt khác như: có kích thước lớn nhất trong các loài tôm nước ngọt, ít nhạy cảm với bệnh tật so với tôm biển, tôm trưởng thành có khả năng chịu đựng được phạm vi độ mặn rộng, sinh sản quanh năm, thời gian sinh sản có thể chủ động. Trong điều kiện nuôi phù hợp tôm càng xanh có thể nuôi ghép với nhiều loài thủy sản khác như: tôm sú, TTCT và lúa giúp cho nông dân tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích và cách ly được mầm bệnh cho mô hình nuôi kết hợp này. Hơn nữa, trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, thời tiết diễn biến bất lợi, mô hình nuôi tôm càng xanh ở một số tỉnh bị ảnh hưởng như xâm ngập mặn nhẹ, đất phèn (Trà Vinh, Kiên Giang, Cà Mau), đây có thể xem là mô hình thích ứng mang lợi nhuận cao cho nông dân.
Năm 2017, ThS Bùi Thị Liên Hà và ThS Trần Nguyễn Ái Hằng thuộc Viện Nghiên cứu NTTS II đã thực hiện đề tài: “Sản xuất thử nghiệm giống tôm càng xanh toàn đực bằng công nghệ RNAi”. Dự án đã đạt được các kết quả hoàn thiện như: Hoàn thiện quy trình tạo sợi đôi dsRNA-MrIAG chuyển giới tính tôm càng xanh nhờ công nghệ RNAi: chỉ số tương đồng của trình tự bảng mẫu cDNA-Mr-IAG ~100% so trình tự công bố quốc tế, tăng chất lượng sợi đôi dsRNA có tính đặc hiệu và độ tinh sạch cao đạt 99%, nồng độ sợi đôi đạt được 4,65µg/µl. Hoàn thiện quy trình thực nghiệm đưa sợi đôi dsRNA vào tôm càng xanh cái giả bằng công nghệ vi tiêm RNAi. Hoàn thiện quy trình ương nuôi và quản lý tôm cái giả hậu bị. Với kết quả hoàn thiện đạt được, dự án đã sản xuất được 20.160 con cái giả và 10.285.000 hậu ấu trùng (PL12) toàn đực bán ra thị trường. Đồng thời, dự án có thể giảm chi phí sản xuất tôm cái giả xuống 21,9% so quy trình cũ.
Còn tại tỉnh An Giang, cũng là một trong những địa phương có thế mạnh phát triển tôm càng xanh toàn đực tại khu vực ĐBSCL. Tại đây, con giống tôm càng xanh toàn đực thương hiệu Israel An Giang, được phân phối tại Trại Giống Bình Thạnh 1 (huyện Châu Thành), do Công ty TNHH MTV New Horizon Việt Nam (Công ty New Horizon) thuộc Tập đoàn Tiran-Israel hợp tác với Trung tâm Giống thủy sản An Giang sản xuất, với năng lực cung cấp tối đa hàng năm khoảng 2 tỷ ấu trùng và 20 triệu con tôm post. Qua thực tế triển khai nuôi thương phẩm ở An Giang và các tỉnh ĐBSCL, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực do Trung tâm Giống thủy sản An Giang phối hợp Công ty New Horizon thực hiện đã phát huy hiệu quả. Tỷ lệ sống của tôm thương phẩm từ giai đoạn post đến thu hoạch đạt trung bình trên 40%, kích cỡ khi thu hoạch đều, giá bán tôm thịt tốt hơn so tôm thường, hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi tăng hơn từ 30 – 50% so nuôi tôm truyền thống. Hiện, Công ty New Horizon đang xúc tiến xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu độc quyền sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực ở An Giang.
Với việc tạo được nguồn tôm giống chất lượng, đã mở ra phong trào nuôi tôm càng xanh toàn đực phát triển trở lại ở An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu…, đồng thời phát triển ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Bắc. Sản lượng tôm càng xanh toàn đực của ĐBSCL tăng lên rất nhiều, mang lại hiệu quả ngoài mong đợi, cải thiện đời sống người dân vùng ĐBSCL, nhất là vùng hoang hóa, phèn mặn, đem lại sinh kế ổn định cho người dân, đặc biệt với mô hình nuôi kết hợp TTCT và tôm càng xanh toàn đực, hay nuôi tôm càng xanh xen canh lúa.
Để đạt được mục tiêu kép vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời tăng thu nhập qua việc gia tăng giá trị sản phẩm và gắn với tiêu thụ; năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Bến Tre đã xây dựng mô hình “Nuôi tôm càng xanh toàn đực thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với tiêu thụ sản phẩm”. Mô hình được thực hiện ở 5 tỉnh: Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng, có quy mô 38 ha và 35 hộ tham gia. Số lượng giống tôm càng xanh toàn đực đã cấp phát: 990.000 con có kích cỡ ≥ 13 mm, con giống đồng đều, khỏe mạnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được sản xuất từ các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín. Tổng lượng thức ăn công nghiệp: 28.606 kg, có độ đạm ≥ 25% phù hợp theo các giai đoạn phát triển của tôm, còn hạn sử dụng, có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất.
Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau đã thực hiện Dự án “Ứng dụng khoa học – kỹ thuật xây dựng mô hình xen canh lúa – tôm càng xanh toàn đực theo tiêu chuẩn VietGAP tại vùng Bắc Cà Mau”; thuộc Chương trình Nông thôn miền núi (cấp quốc gia). Dự án được triển khai đã cho thấy sự phù hợp với đặc thù vùng sinh thái, phù hợp với quy hoạch về đối tượng cây trồng, vật nuôi của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 nhằm hướng đến sản xuất có hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân. Dự án đã áp dụng 3 quy trình công nghệ gồm: ương giống tôm càng xanh toàn đực; sản xuất lúa trên nền đất lúa – tôm theo tiêu chuẩn VietGAP; nuôi tôm càng xanh thương phẩm toàn đực xen canh trong ruộng lúa.
Tại Cần Thơ, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực kết hợp nuôi cá và trồng dừa, đã thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu, đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/vụ. Là một trong những hộ tham gia mô hình, ông Nguyễn Lê Chủng, ấp Lân Quới, xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh cho biết, từ năm 2016 được Trung tâm Khuyến nông TP Cần Thơ triển khai mô hình nuôi tôm toàn đực trong đất ruộng lúa. Kết quả đã đem lại thắng lợi và tăng thu nhập gấp 3 – 4 lần so với trồng lúa. Chính vì vậy, ông Chủng đã mạnh dạn áp dụng nuôi tôm toàn đực đến ngày hôm nay.
Hồng Hạnh