(TSVN) – Dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều nước và Việt Nam thời gian qua, đã khiến dịch vụ hậu cần – logistics tiếp tục bị đẩy giá. Trong khi, giá thuê kho bãi, kho lạnh bắt đầu tăng trở lại, khiến không ít doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nói chung, xuất khẩu tôm nói riêng khó chồng khó.
Trong chế biến thủy sản, nếu có hệ thống kho lạnh công suất lớn sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế, giúp doanh nghiệp giữ thăng bằng cung cầu, tránh những rủi ro cho người nuôi thủy sản. Tuy nhiên, tại ĐBSCL, hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản chỉ có kho lạnh với sản lượng nhỏ, khoảng 2.000 – 3.000 tấn, hiếm có những kho đạt tới 5.000 tấn.
Hiện, hệ thống kho lạnh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, đang trong tình trạng “hết chỗ chứa”. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho biết, nhiều lô hàng chưa xuất được nên phải để tồn kho. Tuy nhiên, giá lưu kho lạnh đang tăng 20 – 25% so với đầu năm ngoái, khoảng 1,2 – 2 triệu đồng/tấn/ngày, khiến doanh nghiệp đứng ngồi không yên. Doanh nghiệp đang phải chi thêm hàng tỷ đồng mỗi tháng để lưu kho. Nhiều doanh nghiệp không gánh nổi chi phí, nên không dám mở rộng thu mua nông sản hoặc nhận thêm đơn hàng. Nhiều khi mua xong, hàng chưa xuất được đã rơi vào tình trạng hỏng, khiến doanh nghiệp càng thua lỗ hơn.
Ảnh minh họa
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, theo phản ánh của các doanh nghiệp, trong thời kỳ cao điểm của đại dịch COVID-19, 30 – 50% các đơn đặt hàng xuất khẩu thủy sản đã bị hủy, dẫn đến nguồn hàng tồn kho leo thang, khiến các kho lạnh phải hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, nguồn cung kho lạnh của Việt Nam rất hạn chế, chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam và khoảng 60% thị phần được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Việc thiếu kho lạnh trầm trọng, khiến các doanh nghiệp không thể thu mua nguồn nguyên liệu tôm cá nhiều hơn mà người dân sản xuất ra, cũng như khó có thể tạo ra được nguồn hàng lớn chủ động, khi thế giới có nhu cầu tăng trở lại.
Một hạn chế cho việc phát triển các kho lạnh trữ thủy sản là chi phí đầu tư khá lớn nên công suất kho lạnh tại Việt Nam đến nay vẫn chưa theo kịp nhu cầu của ngành.
Các hiệp hội, ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam cho biết, giá cước tàu biển và cước thuê container đã tăng kể từ đầu năm nay. Cụ thể, tháng 01/2021, cước tàu đi EU đã tăng từ 145 – 276% (tùy cảng) – tăng lên 7.000 – 10.550 USD/container. Giá cước đi Mỹ, đi Nhật Bản, Trung Đông hay ASEAN đều tăng 2 – 5 lần, thậm chí 10 lần, tùy lộ trình.
Theo dự đoán của các chuyên gia, tình hình thiếu container rỗng, dẫn đến giá cước vận chuyển tăng cao, sẽ còn diễn ra cho đến hết quý II/2021. Nhiều nhà xuất khẩu cho biết, hiện việc chờ cước container vận tải biển giảm là bất khả thi, bởi dịch bệnh vẫn đang tiếp tục gây đứt gãy chuỗi cung toàn cầu, tác động trực tiếp đến lưu thông hàng hóa.
Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho rằng: “Chúng tôi ước tính giá trị xuất khẩu năm nay sẽ tăng ít nhất 30% so với năm 2020, do nhu cầu thị trường tôm gần đây phục hồi mạnh. Tuy vậy doanh nghiệp phải đối mặt với làn sóng tăng giá nguyên liệu cũng như cước vận tải biển, nên chúng tôi đã rà soát lại hoạt động sản xuất, để tối ưu hóa chi phí theo hướng cắt giảm chi phí không cần thiết, đồng thời huy động tăng tối đa công suất hoạt động của nhà máy. Giá container dùng cho xuất khẩu hàng hoá tăng tới 150% vì ảnh hưởng dịch bệnh, do đó nguồn cung container trong nước đang khan hiếm lại càng khan hiếm”.
Trước những khó khăn trên, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nói chung, tôm nói riêng bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng có chính sách, giải pháp thuận lợi cho doanh nghiệp như tháo gỡ khó khăn trong hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ thuế, hải quan, thông quan hàng hóa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Hải Đường