Hội Nghề cá Việt Nam: Phát huy vai trò tổ chức xã hội – nghề nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2012, nghề cá Việt Nam đã chịu nhiều tác động bất lợi của thiên tai, dịch bệnh… ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của người dân. Với vai trò là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp, Hội Nghề cá Việt Nam đã có những hoạt động như thế nào? PV Thủy sản Việt Nam đã trao đổi với ông Võ Văn Trác, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam (ảnh) về vấn đề này.

Năm qua, Hội Nghề cá Việt Nam trong vai trò đại diện quyền lợi nông, ngư dân Việt Nam đã có những hoạt động chủ yếu nào, thưa ông?

Một trong những hoạt động nổi bật nhất của Hội là tổ chức thành công Đại hội Hội Nghề cá Việt Nam nhiệm kỳ III, với chủ đề “Đổi mới hoạt động Hội, tăng cường hợp tác và hội nhập, phát triển nghề cá hiệu quả và bền vững”.

 Hội đã thực hiện hiệu quả 4 nhóm việc chính: Củng cố, phát triển hệ thống tổ chức Hội và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nông, ngư dân. Cơ quan Trung ương Hội được tổ chức thành 7 phòng ban có nhiệm vụ rõ ràng, theo hướng chuyên nghiệp. Bảy mươi bảy hội viên tập thể và 34 tỉnh có tổ chức Hội hoạt động. Hệ thống tổ chức Hội tiếp tục giữ vững vai trò và tác dụng đối với việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân; Đồng thời, đề xuất giải pháp bảo vệ ngư dân bị xâm hại trên biển Đông; đề xuất ý kiến giải quyêt khó khăn về nuôi và tiêu thụ cá tra, tôm…

 Góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nghề cá và thực hiện kế hoạch năm 2012, các cấp Hội có nhiều hình thức tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, ngư dân thực hiện các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản: đăng kiểm tàu cá; chuyển đổi, thay thế tàu cũ công suất nhỏ bằng tàu công suất lớn đánh cá xa bờ; chuyển đổi công cụ khai thác hiệu quả. Nhiều tỉnh hội đã chủ động phối hợp các đơn vị, tổ chức đồng quản lý nghề cá ven bờ, tích cực tham gia cung ứng vật tư, nhiên liệu phục vụ khai thác trên biển, quản lý bến, cảng cá nhỏ có hiệu quả, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng khai thác xa bờ.

Tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội, chuyển giao công nghệ, mở rộng hợp tác trong ngoài nước. Tháng 8, 9/2012, các đơn vị thuộc Trung ương Hội đã phối hợp tổ chức 14 lớp đào tạo giảng viên VietGAP về nuôi trồng thủy sản tại 8 tỉnh, cho 290 học viên của 28 tỉnh và 6 đơn vị của Bộ NN&PTNT đạt kết quả tốt.

Trung ương Hội phối hợp các đơn vị tổ chức tốt cuộc bình chọn lần thứ hai danh hiệu Chất lượng vàng Thủy sản Việt Nam; chỉ đạo Tạp chí Thủy sản Việt Nam tổ chức thành công cuộc thi viết “Điển hình Lao động ngành Thủy sản Việt Nam” lần hai.

 

Là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, theo ông, Hội Nghề cá Việt Nam năm qua thể hiện vai trò này thế nào?

Hội đã đi sâu sát, tập hợp, đề xuất nhiều ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước, nhằm bảo vệ quyền lợi cho hội viên, nông, ngư dân, doanh nghiệp. Hội cũng chủ động tham gia xây dựng, thực hiện nhiều cơ chế chính sách liên quan quyền lợi nông, ngư dân.

Năm 2012 có những sự kiện nổi bật vào thời điểm nhạy cảm mà Hội đã quyết liệt vào cuộc, lên tiếng kịp thời bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nông, ngư dân (Tuyên bố lên án, kịch liệt phản đối phía Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam và đề xuất giải pháp bảo vệ ngư dân bị xâm hại trên biển Đông; đề xuất ý kiến giải quyết khó khăn về nuôi và tiêu thụ cá tra, tôm; lên tiếng kịp thời đối với vụ cưỡng chế thu hồi đầm nuôi trồng thủy sản ở Tiên Lãng (Hải Phòng); đề xuất, kiến nghị sửa đổi luật đất đai, tài nguyên nước, phòng chống thiên tài, an toàn vệ sinh thực phẩm và các quy định của Nhà nước liên quan lợi ích nông, ngư dân.

 

Ông có thể cho biết những khó khăn trực tiếp mà Hội đã gặp phải?

Những năm qua, Hội phải đối diện nhiều khó khăn, nhất là những khó khăn tác động trực tiếp hoạt động Hội, cần khắc phục trong năm tới. Hệ thống tổ chức Hội từ trung ương đến địa phương có nhiều cố gắng củng cố, phát triển, nhưng vẫn chưa vững mạnh, ổn định. Đội ngũ cán bộ Hội chưa chuyên nghiệp. Công tác thông tin tuyên truyền chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tế, thông tin nhiều chiều chưa kịp thời. Điều kiện làm việc, cơ sở vật chất – tài chính các cơ sở Hội còn thiếu thốn nhiều.

 

Phương hướng hoạt động của Hội thời gian tới thế nào, thưa ông?

Cần tiếp tục củng cố, phát triển hệ thống tổ chức Hội từ trung ương, tỉnh, huyện, xã đến tận các chi hội cơ sở vững mạnh, ổn định. Hệ thống tổ chức đó trước tiên phải tập trung nghiên cứu, tổng hợp ý kiến nông, ngư dân, cán bộ ngành thủy sản; kịp thời kiến nghị các cơ quan nhà nước, về cơ chế chính sách phù hợp đặc thù nghề cá, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Trước hết là các chính sách khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản (chính sách tín dụng, đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, rủi ro trong sản xuất kinh doanh nghề cá). Đồng thời, Hội phải tổ chức triển khai các chương trình, dự án, hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội, đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ…, kịp thời phục vụ nông, ngư dân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả và bền vững.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyên Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!