Kỹ thuật nuôi ếch sinh sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Tôi nuôi ếch cho sinh sản nhưng lại chưa có kinh nghiệm để ếch sinh sản đạt hiệu suất 100%. Xin hỏi, điều kiện bể đẻ, kỹ thuật như thế nào cho phù hợp?

(Nguyễn Thị Linh, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh)

Trả lời:

Để ếch sinh sản hiệu quả cao, ngoài việc lựa chọn ếch bố mẹ, thì việc tạo điều kiện môi trường thích hợp khi ếch giao phối và đẻ trứng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ban đầu trước khi cho ếch vào giao phối, mực nước trong bể là 2 – 5 cm. Nhưng sau khi đưa ếch bố mẹ ra khỏi bể, thì mực nước phải được nâng lên từ từ 10 – 15 cm. Việc tăng mực nước lên dần trong nhiều ngày liền, sẽ tạo dưỡng khí trong nước, giúp trứng mau nở và nòng nọc nhanh lớn hơn. Bể đẻ phải được vệ sinh sạch sẽ và vô trùng nước kỹ càng, để tránh tác động tiêu cực đến trứng và nòng nọc.

Nước cho ếch đẻ không sạch thì trứng sẽ hỏng. Khi ếch đã thành nòng nọc, thì độ đục trong ao cần phải ổn định. Việc tạo mưa nhân tạo hoặc làm lạnh bằng nước đá cũng sẽ giúp ếch đẻ nhiều đợt hơn trong năm. Tuyệt đối không thay nước trong 4 ngày đầu, sau đó thì có thể thay nước nhưng không quá 1/3 mực nước trong bể, vì phải đảm bảo cho sự ổn định trong thời gian nhạy cảm này. Khi có thể thay nước, thì mực nước không thấp hơn 7 – 8 cm. Vì khi trứng đã nở thành nòng nọc, thì chúng rất thích ngoi lên ngoi xuống mặt nước để thở. Nếu mực nước quá cao, thì nòng nọc sẽ tốn rất nhiều thời gian cho hoạt động này và làm hạn chế sự tăng trưởng của chúng.

Hỏi: Tôi muốn cắt tảo trong ao nuôi tôm đã được 2 tháng thì cần lưu ý gì, để đảm bảo an toàn cho tôm mà vẫn hiệu quả?

(Nguyễn Hà Giang, huyện Thời Bình, tỉnh Cà Màu)

Trả lời:

Để cắt tảo trong ao nuôi, có thể sử dụng một số phương pháp sau: Khi tảo phát triển quá mức đặc biệt là tảo lam, tảo sợi, tảo đỏ, thì cần kiểm tra ngay độ đệm (bicacbonat), nếu hệ đệm cao thì chỉ cần thay nước ao vào ban đêm khoảng 30% nước để giảm tảo. Ngược lại, nếu hệ đệm thấp thì có thể xử lý dễ dàng: ngâm vôi nung hoặc vỏ sò lúc 2h chiều, đến khoảng 3h sáng thì mang tạt đều quanh ao với liều lượng 30 kg/1.000 m3 nước, xử lý 2 ngày liên tiếp.

Dùng vôi có thể giúp kết tủa giảm hàm lượng phospho trong ao nuôi nhanh chóng, tảo sau đó cũng giảm xuống rất nhanh, sau khi tảo giảm có thể dùng vi sinh để ổn định tảo sẽ rất hiệu quả. Cần chú ý dùng vôi để cắt tảo trong những ao có lót bạt, thì sáng hôm sau nên xiphong ngay để tránh trường hợp vôi lắng tụ dưới đáy dễ lên rong nhớt đáy áo. Hoặc dùng men vi sinh chủng Bacillus, đây là chủng men vi sinh có thể phát triển tốt, khi nhiệt độ và nồng độ muối thay đổi. Một số chủng Bacillus sp có khả năng phân hủy nitơ cũng như tiết các enzyme, giúp đẩy nhanh quá trình phân hủy hợp chất hữu cơ và các sản phẩm độc như amoniac. Người nuôi cũng có thể cắt tảo bằng enzyme.

Enzyme cắt tảo dựa trên nguyên lý sinh học, dùng tác động phân hủy chất hữu cơ của các enzyme đặc hiệu (chất hữu cơ chính là nguồn dinh dưỡng chính cho sự phát triển của tảo). Mỗi enzyme có phản ứng đặc trưng riêng cho mỗi kiểu xúc tác của nó. Không có một loại enzyme đặc hiệu nào có hiệu quả cho mọi loại tác dụng, mà thường phải pha chế các hỗn hợp enzyme để đạt hiệu quả cao nhất. Sau khi cắt tảo, lượng tảo chết đi sẽ được enzyme tiếp tục phân hủy, tạo thành thức ăn tự nhiên cho tôm, cá.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!