Huyện Trần Văn Thời được xem là cái nôi của con cá đồng với những địa danh nổi tiếng như: Khánh Hưng, Khánh Hải, Trần Hợi hay Khánh Bình Tây… Tuy nhiên, sự khai thác thiếu bảo vệ của người dân địa phương làm cho nguồn lợi cá đồng ngày càng cạn kiệt.
Sau khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất vào năm 2002, huyện Trần Văn Thời được phân thành 2 vùng mặn, ngọt riêng biệt. Vùng mặn nông dân trồng một vụ lúa và nuôi tôm, vùng ngọt chủ yếu làm lúa 2 vụ, trồng rau màu và nuôi cá đồng.
Theo thống kê, toàn huyện hiện có hơn 14.000 ha nuôi cá đồng, bình quân mỗi năm cho thu hoạch khoảng 100 kg/ha. Đa phần những diện tích nuôi cá đạt năng suất cao, người dân chủ yếu nuôi cá bổi theo hình thức công nghiệp, còn các loại cá khác như: cá rô, cá lóc, cá trê… ngày càng cạn kiệt dần.
Nông dân xã Khánh Tiến, huyện U Minh thu hoạch cá đồng – Ảnh: Hoàng Vũ
Ông Đặng Hoàng Minh, ấp Đòn Dong, xã Khánh Lộc, bày tỏ: “Tôi rất mong Nhà nước có chính sách đầu tư vốn cho nông dân sên vét, đào đắp, tu bổ kinh mương và hỗ trợ con giống, khoa học – kỹ thuật để tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi cá đồng truyền thống”.
Diện tích nuôi cá đồng bị thu hẹp dần, cộng thêm tình trạng người dân khai thác một cách vô ý thức, trộm cắp cá bằng cách xiệc điện, dùng lưới mành kéo bắt cá non, làm cạn kiệt nguồn lợi cá đồng vốn rất dồi dào một thời ở huyện Trần Văn Thời.
Bên cạnh đó, chưa có sự quy hoạch vùng nuôi cá đồng cụ thể nên người dân chỉ nuôi tự phát với số lượng nhỏ lẻ để cải thiện bữa ăn trong gia đình là chính. Thời gian qua, loại sản phẩm này chỉ tiêu thụ ở địa phương, chưa tìm được đầu ra ổn định, làm cho giá cá đồng không cao.
Vào thời điểm thu hoạch, cá lóc loại 3 con/kg khoảng 70.000 đồng/kg, cá rô loại 10 con/kg khoảng 70.000 đồng/kg. Từ đó, chưa khuyến khích người dân nuôi cá đồng truyền thống.
Trong những năm gần đây, do chuyển sang làm 2 vụ lúa trên năm, diện tích nuôi cá đồng theo kiểu truyền thống cũng bị thu hẹp dần, tình trạng khai thác không theo mùa, trộm cá bằng xiệc điện làm nguồn lợi cá đồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Duy Quốc Tuấn, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, cho biết, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu của dự án nuôi cá đồng đã đề ra. Bằng mọi cách duy trì phát triển nguồn lợi cá đồng tự nhiên, đồng thời Phòng NN&PTNT cử cán bộ trực tiếp phụ trách từng địa bàn, thường xuyên mở các lớp tập huấn về sinh sản cá đồng cũng như về kỹ thuật nuôi cá để bà con yên tâm sản xuất.
Để nghề nuôi cá đồng phát triển lâu dài, UBND huyện Trần Văn Thời thống nhất cho Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Cà Mau phối hợp với Phòng NN&PTNT, Hội Nông dân huyện tổ chức thực hiện dự án “Khôi phục và phát triển nguồn lợi cá đồng” tại địa bàn xã Khánh Hưng.