(TSVN) – Tiềm năng chống biến đổi khí hậu của rong biển dường như đang bị lãng quên. Sinh vật này còn mang lại nhiều dịch vụ hệ sinh thái, như hấp thụ chất dinh dưỡng dư thừa trong nước, trực tiếp giảm axit hóa đại dương quanh trang trại thủy sản, tạo môi trường sống cho các sinh vật biển.
Ngành rong biển toàn cầu cần phải đặt mục tiêu tăng trưởng 12%/năm khi các vùng biển phía Bắc bắt đầu chú trọng trồng rong biển. Đối với WWF, rong biển giúp đạt mục tiêu toàn cầu bằng cách giảm tác động của hệ thống thực phẩm lên đất, nước và biến đổi khí hậu.
Trồng rong biển là một hoạt động đòi hỏi nhiều kỹ năng giống như nuôi cá, điều này có nghĩa các cộng đồng ven biển còn nhiều cơ hội khác để gia tăng thu nhập, đặc biệt là khi nguồn cá biển đang bị khai thác quá mức. Dù thị trường các sản phẩm từ rong biển vẫn chưa được khai phá, khoa học công nghệ phát triển đã tìm ra nhiều loài rong biển chứa các hợp chất giá trị và có khả năng thay thế các sản phẩm nhiên liệu hóa thạch. Thực tế, rong biển đã được sử dụng làm nhựa sinh học, phụ gia thức ăn chăn nuôi, protein thay thế… Tuy nhiên, rong biển không phải là một phương án giải quyết ngay tức khắc cho các vấn đề khó, nhưng nó sẽ là một công cụ quan trọng để ứng phó biến đổi khí hậu và cung cấp thực phẩm, việc làm cho cộng đồng ven biển trong tương lai.
Hiện, công nghệ ươm tạo và trồng rong biển tại trang trại đang trong giai đoạn mới phát triển. Rào cản hiện nay, đặc biệt ở các nước phương Tây là xin giấp phép mở trang trại và thị trường tiêu thụ vẫn chưa phát triển. Trồng rong biển, tuy nhiên, lại hoàn toàn khác nuôi cá hồi hay tôm bởi nó vẫn là ngành công nghiệp non trẻ. Châu Á sản xuất 99% rong biển cho thế giới, còn Bắc Đại Tây Dương và Đông Bắc Thái Bình Dương chưa phát triển ngành rong biển dù có nhiều tiềm năng nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi.
Trồng tảo bẹ đang mở rộng tại châu Á qua chương trình chọn lọc nhân tạo giống mới, ưu tiên các loài có khả năng chịu nhiệt độ cao và cho sản lượng lớn. Chính phủ các nước châu Á bắt đầu quan tâm đến ngành rong biển để đẩy nhanh mở rộng quy mô. Ví dụ, Hàn Quốc đang lên kế hoạch xây dựng trang trại rong biển bao quanh bán đảo Hàn Quốc làm vòng đệm cho các trại nuôi nhuyễn thể ven biển tránh axit hóa đại dương.
Nhưng phát triển ngành rong biển đòi hỏi sự thận trọng bởi đây không phải đối tượng có thể trồng độc canh và lợi ích kinh tế từ rong biển chưa đủ hấp dẫn các quốc gia, nhất là phương Tây mở cửa đón nhận các loài rong biển ngoại lai. Một khi quy mô tiếp tục tăng và trang trại thủy sản chuyển đến vùng nước sâu hơn, chúng ta phải cảnh giác hơn và chủ động phát triển, triển khai thực hành quản lý tốt nhất. Tuy nhiên, chỉ 10 năm tới, thế giới sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng của ngành rong biển toàn cầu từ 8% lên 12%/năm khi các nước phương Tây nâng sản lượng. Ngoài ra, các trại nuôi ngoài khơi sẽ sử dụng công nghệ để mở rộng quy mô trồng rong biển nhằm mang lại nhiều lợi ích hấp thụ carbon và cải thiện môi trường đại dương. Cùng đó, sẽ là sự tăng cường đầu tư vào các công ty sử dụng rong biển để chế biến nhựa sinh học, chiết xuất protein và thức ăn chăn nuôi.
Chuyên viên dự án rong biển và nhuyễn thể, WWF