Thời gian qua, lĩnh vực nuôi thả thủy sản trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có bước phát triển mạnh về quy mô, cơ cấu, năng suất và sản lượng. Bên cạnh các loài thủy sản được nuôi phổ biến như trắm, trôi, mè, chép…, một số giống có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao như cá trắm đen, cá trê đồng… được ngành chuyên môn chuyển giao cho nông dân đưa vào nuôi thả, mở rộng quy mô, diện tích.
Theo số liệu tổng hợp, hiện nay toàn tỉnh có gần 5 nghìn ha mặt nước nuôi thả thủy sản. Cùng với các đề án, mô hình hỗ trợ phát triển, mở rộng diện tích nuôi thả thủy sản với những đối tượng nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng sản xuất với quy mô lớn, tạo ra sản phẩm hàng hóa, nông dân ở nhiều địa phương mạnh dạn áp dụng KHKT đưa các giống cá mới có năng suất, chất lượng vào nuôi như cá chép lai V1, cá trắm đen, cá rô phi đơn tính, cá trê đồng… Tuy nhiên, diện tích nuôi thâm canh hoặc bán thâm canh còn khiêm tốn so với tổng diện tích do chi phí thức ăn cho một vụ nuôi chiếm tỷ lệ rất lớn (thường chiếm khoảng trên 60% tổng chi phí) và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của một vụ nuôi. Bên cạnh đó, quá trình sinh trưởng của các loài thủy sản được bảo đảm bởi sự trao đổi năng lượng, đặc biệt ô xy có vai trò quan trọng trong ao nuôi thả thủy sản, quyết định đến sự sống, ổn định và phát triển của cá. Từ thực trạng trên, để tăng hiệu quả nuôi thả thủy sản, năm 2012, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai mô hình ứng dụng máy quạt nước tạo ô xy và máy chế biến thức ăn trong nuôi thâm canh cá trắm đen. Trung tâm đã lựa chọn hộ gia đình ông Phạm Văn Khá, thôn Sa Lung, xã Phù Ủng (Ân Thi) thực hiện mô hình với quy mô nuôi thả 0,5 ha, với số lượng nuôi 2.500 con cá trắm đen. Mô hình thực hiện với 1 máy quạt nước tạo ô xy sử dụng động cơ điện 3 pha, công suất 5 kw/h, 10 quạt nước trên phao giá đỡ. Một máy chế biến thức ăn viên với đầu nổ 24 mã lực, đầu nghiền ép thức ăn viên. Cải tạo nâng cấp đường điện 3 pha với chiều dài 1.000 m, dây điện cáp xoắn loại 4 mm… Tổng kinh phí thực hiện mô hình 80,7 triệu đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ 10 triệu đồng.
Máy chế biến thức ăn hỗn hợp cho cá của gia đình ông Phạm Văn Khá, xã Phù Ủng (Ân Thi)
Hiện nay, nhiều nông dân đã chuyển từ tập quán thả cá sang nuôi cá có đầu tư áp dụng kỹ thuật. Tuy nhiên phần đông các hộ nuôi thủy sản mới chỉ sử dụng những loại thức ăn đơn, thành phần các chất dinh dưỡng chưa được cân đối để giúp cá tăng trưởng nhanh. Thức ăn hỗn hợp là loại thức ăn được phối trộn 2 hay nhiều loại thức ăn đơn, có thêm chất phụ gia nhằm bảo đảm cân đối về thành phần dinh dưỡng theo yêu cầu sinh lý, tiêu hóa của cá trong từng giai đoạn phát triển, theo mùa vụ và theo mục đích nuôi. Thực tế cho thấy, trong nuôi thả thủy sản nếu không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng trong thức ăn sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng, hủy hoại các chức năng của cơ thể cá. Chính vì vậy, trong quá trình sử dụng máy chế biến thức ăn hỗn hợp cho cá, Trung tâm Khuyến nông cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chủ hộ thực hiện các công đoạn chế biến thức ăn hỗn hợp như chọn nguyên liệu, nghiền thành bột, phối trộn theo công thức, phơi sấy, ép viên… Nguyên liệu để chế biến thức ăn được lựa chọn từ các nguyên liệu sẵn có trong sản xuất nông nghiệp, phù hợp với công thức chế biến thức ăn cho cá như cám gạo, ngô, sắn, rau xanh, ốc bươu vàng, cá tạp… Công thức phối trộn được áp dụng cho từng giai đoạn sinh trưởng của cá.
Ông Phạm Văn Khá cho biết: Khi chế biến thức ăn bằng loại máy trên, các nguyên liệu được nghiền nhỏ, trộn đều bảo đảm độ ẩm, tạo thành viên khi qua máy, điều chỉnh mắt sàng để có kích cỡ viên thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cá; căn cứ vào nhu cầu thức ăn hàng ngày cho cá để tính lượng thức ăn sản xuất trong ngày. Thức ăn sản xuất qua đầu sấy đã khô có thể sử dụng ngay cho cá hoặc đem phơi nắng, sấy khô ở nhiệt độ dưới 500C, sấy trong khoảng 5 – 7 giờ. Theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, trong quá trình chế biến thức ăn cho cá cần phải chú ý đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, thức ăn không được nhiễm độc và không đưa các loại kháng sinh, hóa chất đã bị cấm sử dụng vào thức ăn. Nếu để lại phải phơi khô, tránh mốc, nhiễm khuẩn, bảo quản trong bao kín, nơi khô ráo, thoáng mát. Trong quá trình thực hiện mô hình, gia đình tôi ghi chép thường xuyên các diễn biến, hoạt động mua bán các vật tư vào sổ nhật ký để hạch toán kinh tế cuối vụ nuôi. Với giá thức ăn viên hỗn hợp bán trên thị trường hiện nay của các nhà sản xuất, cám hỗn hợp 35% độ đạm có giá 14 nghìn đồng/kg, việc tự chế biến bằng máy chi phí hết khoảng 10 nghìn đồng, như vậy tiết kiệm được trung bình 4 nghìn đồng/kg cám.
Cùng với mô hình máy chế biến thức ăn viên được triển khai, mang lại hiệu quả, nông dân dễ áp dụng, máy quạt nước tạo ô xy được Trung tâm Khuyến nông triển khai và được nhân rộng. Thực tế trong nuôi thả thủy sản cho thấy, ô xy là yếu tố quan trọng góp phần cấu thành năng suất, việc thiếu ô xy trong ao nuôi làm cho cá lười ăn, chậm lớn và có thể chết. Vì vậy, việc quản lý ô xy bảo đảm lượng ô xy ổn định trong ao nuôi là cần thiết. Để tăng năng suất và hiệu quả nuôi thả thủy sản, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn áp dụng KHKT nuôi theo phương pháp thâm canh, sử dụng máy quạt nước tạo ô xy giúp cho tăng hàm lượng ô xy, góp phần tăng mật độ đàn cá nuôi trên diện tích ao nuôi. Qua thực tế mô hình được triển khai tại trang trại của ông Phạm Văn Khá và nhiều hộ trên địa bàn huyện Ân Thi, các hộ thực hiện vận hành máy quạt nước tạo ô xy vào thời điểm sáng sớm hoặc khi thấy cá trong ao nuôi có hiện tượng nổi đầu. Ngoài ra, máy quạt nước tạo ô xy còn được sử dụng sau khi dùng hóa chất khử trùng ao nuôi, ao nuôi có hiện tượng nhiều tảo và trong những ngày thời tiết âm u, sau những cơn mưa…
Đánh giá về hiệu quả của việc áp dụng máy quạt nước tạo ô xy và máy chế biến thức ăn trong nuôi thả thủy sản, ông Lương Văn Cao, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết: Máy quạt nước tạo ô xy làm tăng mức ô xy hòa tan trong nước ao nuôi, giúp đồng nhất chất lượng nước tại mọi thời điểm và tầng nước trong ao, giúp hệ sinh vật trong ao như tảo, vi sinh vật có ích… phát triển ổn định, chất lượng nước ổn định hơn trong điều kiện biến động của thời tiết, phóng thích lớp khí độc khỏi tầng đáy do dòng chảy xáo trộn các tầng nước, giúp mật độ nuôi thả cao hơn, tăng năng suất, hiệu quả… Hiện tượng cá nổi đầu, lượng cá chết giảm 50% so với không sử dụng máy quạt nước tạo ô xy. Máy chế biến thức ăn viên tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có, giảm chi phí đầu tư trong quá trình nuôi, tăng hiệu quả kinh tế; bảo đảm chất lượng, hàm lượng đạm có trong thức ăn; giúp cho các hộ chủ động thức ăn cho cá, chi phí giảm 10 – 20% so với mua thức ăn hỗn hợp trên thị trường. Từ những hiệu quả đó, thời gian tới trung tâm tiếp tục phối hợp và đề nghị các cấp, ngành liên quan hỗ trợ kinh phí để triển khai áp dụng rộng rãi đến các hộ nuôi thả thủy sản.