Doanh nghiệp kêu cứu xin tiếp tục thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Để thực hiện “mục tiêu kép”, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực thủy sản tại 19 tỉnh, thành phía Nam trong đó có Tiền Giang đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như test nhanh COVID-19, triển khai phương án sản xuất “3 tại chỗ”.

Tuy nhiên, mới đây UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành công văn tạm dừng hoạt động của các doanh nghiệp đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” từ ngày 5/8/2021. Ngay khi nhận được thông báo này, rất nhiều doanh nghiệp đã gửi đơn kêu cứu tới Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Tiền Giang khẩn thiết xin được tiếp tục sản xuất “3 tại chỗ”; nhằm tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như việc làm cho người lao động được ổn định.

Theo nội dung Công văn số 4093/UBND-KT ngày 29/7/2021 của UBDN tỉnh Tiền Giang, trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh và thực tế thực hiện phương án “3 tại chỗ” của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp để phát sinh nhiều ổ dịch; UBND tỉnh quyết định cho tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 5/8/2021 cho đến khi có thông báo mới. Đây thực sự là một cú sốc lớn đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.

Là hội viên của Hội Nghề cá Việt Nam, chi nhánh Công ty TNHH Uni-President Việt Nam tại Tiền Giang đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam, UBND tỉnh Tiền Giang, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, Ban quản lý Các Khu công nghiệp Tiền Giang về việc xin gia hạn thực hiện mục tiêu sản xuất “3 tại chỗ” của doanh nghiệp.

Đơn cử, Công ty TNHH Uni-President Việt Nam chi nhánh Tiền Giang đang thực hiện rất tốt phương châm sản xuất “3 tại chỗ”. Cụ thể: Công ty đã thành lập ban phòng chống dịch COVID-19 tại cơ sở với 14 thành viên; Định kỳ hàng tuần đều thực hiện test PCR cho tất cả các công nhân lưu trú; Thực hiện phương án quản lý tài xế: Tài xế khi vào Công ty phải mặc bảo hộ và không được phép xuống xe, đặt nhà vệ sinh riêng phía trước Công ty cho tài xế sử dụng; Tổ chức nấu ăn tại chỗ và quản lý việc tiếp tế thức ăn từ bên ngoài vào bằng camera quan sát; Xây dựng các khu lưu trú nằm rải rác và có khoảng cách nhất định, tiến hành phân chia nhỏ các công nhân khu lưu trú theo tổ, nhóm, từng bộ phận riêng biệt; Xây dựng các phòng cách ly (F0, F1, F2) nằm riêng biệt và sẵn sàng bố trí cách ly khi có nguy cơ lây nhiễm; Hàng ngày thành lập nhóm an toàn vệ sinh kiểm tra việc thực hiện “5K” trong các khu lưu trú; Không bổ sung thêm nhân sự trong suốt thời gian thự hiện sản xuất “3 tại chỗ”; Doanh nghiệp cũng đã liên hệ các bệnh viện có chức năng thực hiện test nhanh hoặc PCR để luôn sẵn sàng đáp ứng và đúng thời gian theo quy định. Do vậy, Công ty TNHH Uni-President Việt Nam tại Tiền Giang khẩn thiết mong Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Tiền Giang và các đơn vị có liên quan xem xét để doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất và thực hiện “3 tại chỗ” được hiệu quả.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng đã có đơn kêu cứu khi phải tạm dừng sản xuất “3 tại chỗ”. Điển hình là Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang (Van Duc TG Food). Theo đó, Van Duc TG Food kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang được tiếp tục sản xuất “3 tại chỗ” đối với doanh nghiệp làm tốt và có kết quả PCR 100% âm tính, nếu phát hiện dương tính phải có khả năng cô lập xử lý được; Thực hiện “5K” nghiêm túc, trang bị hệ thống súc miệng bằng nước muối, ăn uống đẩy đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng; Thực hiện phân luồng sản xuất 3 tại chỗ nghiêm túc; Có đủ năng lực test nhanh, với 10.000 kit test nhanh và đã được CDC đào tạo, đội ngũ y tế tại Công ty có thể thực hiện công tác test nhanh để đảm bảo an toàn cho công việc. Khi tình hình dịch bệnh có thể kiểm soát được xin có phương án thực hiện sản xuất thông thoáng hơn thay cho phương án “3 tại chỗ”. Doanh nghiệp nào làm sai thì xử lý doanh nghiệp đó, nhẹ thì sửa sai, khắc phục, nặng thì hãy đóng cửa cảnh báo.

Theo các doanh nghiệp, việc tạm dừng sản xuất “3 tại chỗ” là một cú sốc khi đã thực hành tốt “3 tại chỗ” lại bị đánh đồng với các doanh nghiệp chưa thực hiện tốt. Cùng đó, sẽ gây thiệt hại lớn khi doanh nghiệp đã phải chi nguồn kinh phí để thực hiện phương án này (như chi phí xét nghiệm, bố trí chỗ ăn, ngủ cho công nhân…). Việc phải ngừng sản xuất, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, mưu sinh của người lao động tại nhà máy, mà còn gây ảnh rất lớn đến nguồn cung ứng sản phẩm, hàng hóa tới thị trường.

>> Ngay sau khi nhận được kiến nghị của Công ty TNHH Uni-President Việt Nam tại Tiền Giang, liên quan tới việc dừng hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp thực hiện mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam đã có công văn gửi UBND tỉnh Tiền Giang, Sở NN&PTNT Tiền Giang. Theo đó, kiến nghị: UBND tỉnh Tiền Giang giúp đỡ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn thay vì tạm dừng hoạt động sản xuất của tất cả trong khu, cụm công nghiệp. Tiến hành kiểm tra, đánh giá các cơ sở sản xuất “3 tại chỗ”, nếu đạt vẫn có thể tiếp tục sản xuất nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân. Trong trường hợp các doanh nghiệp có ca mắc COVID-19, có thể tạm dừng để tiến hành tầm soát, xét nghiệm, cách ly các trường hợp tiếp xúc và khử khuẩn. Sau đó, có thể hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục sản xuất an toàn, đảm bảo phòng, chống dịch theo quy định. Hội Nghề cá Việt Nam cũng sẽ có trao đổi với các Hội viên, doanh nghiệp thủy sản chủ động nâng cao ý thức hơn nữa trong sản xuất “3 tại chỗ”, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định, tránh lây lan dịch bệnh ra ngoài cộng đồng.

 

An An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!