Với họ, biển là nhà và là nơi mưu sinh. Họ là những ngư dân cưỡi tàu vượt sóng vươn khơi đánh bắt hải sản, là những “cột mốc di động” khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Tỷ phú ngư dân
67 tuổi, lão ngư Huỳnh Hiển ở thôn Thạch By 1, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) vẫn rắn rỏi, xông xáo hướng dẫn bạn chài và nhóm thợ hoàn tất những công đoạn cuối trên 2 chiếc tàu cá vừa đóng mới trị giá hơn 4,2 tỷ đồng. Ông Hiển hồ hởi: “Tuy giá nhiên liệu ở mức cao, nhưng nhờ được mùa cá, nên trong năm 2012, gia đình tôi thu nhập gần 4 tỷ đồng từ 4 chiếc tàu cá hành nghề giã cào trên vùng biển Quảng Bình đến đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng). Mỗi ngư dân đi bạn trên tàu được chia từ 75 – 110 triệu đồng. Thấy việc đánh bắt đạt khá nên tôi quyết định đóng mới thêm 2 tàu cá với công suất 410 – 430CV để vươn khơi nhằm tăng nguồn thu nhập và giải quyết việc làm cho bạn chài ở địa phương”.
Lão ngư Huỳnh Hiển và 2 chiếc tàu vừa đóng mới trị giá hơn 4,2 tỷ đồng
Với 4 chiếc tàu cá công suất từ 350- 450CV, ngư dân Võ Tiếp giao cho những bạn chài vươn khơi đánh bắt trên vùng biển phía Nam. Năm 2012, ông Tiếp thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Đây là mùa biển “đói” đối với ông và những ngư dân đi bạn. Những năm trước, sau mỗi chuyến ra khơi từ 1 – 2 tháng, ông thu về từ 200 – 350 triệu đồng. Nghe tin tàu sắp cập bến, ông vội đưa vợ vào TP Hồ Chí Minh trị bệnh rồi xuống Vũng Tàu để bán hải sản và mua nhiên liệu cho chuyến ra khơi tiếp theo. “Mình phải đứng ra lo liệu mọi việc cho bạn chài được nghỉ ngơi giữa hai đợt ra biển đánh bắt” – ông Tiếp nói.
Nặng lòng với biển
15 tuổi, ông Huỳnh Hiển rời ghế nhà trường tìm thầy học nghề kim hoàn. Nhưng chỉ sau 1 năm thì ông lại về quê đi bạn cho chủ tàu gần nhà. Ông Hiển bộc bạch về việc đổi nghề của mình: “Lúc đầu, thấy bạn chài đi biển thu nhập đủ nuôi sống gia đình, có thời gian rỗi vào những khi mưa bão nên tôi chỉ dự định đi thử cho biết. Chỉ sau vài chuyến thì thấy quý biển, thích làm ngư dân nên gắn bó suốt hàng chục năm trời mặc cho nhiều lần suýt chết vì giông tố trên biển”. Sau nhiều năm tích cóp, ông đã mua được chiếc tàu cá cho riêng mình để cùng với các bạn chài vẫy vùng giữa biển khơi. Từ chiếc tàu cá 30CV, ông hoán đổi, nâng cấp dần đến những chiếc tàu cá công suất từ 300 – 410CV. Sau 32 năm bám biển, lão ngư Huỳnh Hiển “lui về tuyến sau” và giao hai chiếc tàu cá công suất lớn cho các con.
Thu mua hải sản tại bến cá Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh.
Còn ngư dân Võ Tiếp sau hơn 10 năm “rời biển lên bờ”, ông luôn ra hiên nhà ngóng nhìn những chiếc tàu cá ra vào cửa biển Sa Huỳnh. Sáng – chiều, ông lại cầm máy Icom để liên lạc với bạn chài trên 4 chiếc tàu cá của gia đình đang đánh bắt trên vùng biển phía Nam. Nghe tin thời tiết thất thường trên biển, ông luôn trực bên máy để nắm tình hình và hướng dẫn bạn chài tìm nơi trú ẩn an toàn.
Ông Phan Hiển – Chi hội trưởng nghề cá xã Phổ Thạnh cho biết: Hiện chính quyền xã và chi hội đang gấp rút thành lập Hợp tác xã đánh bắt hải sản. Mô hình này nhằm huy động và hỗ trợ vốn cho những ngư dân khó khăn có điều kiện đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư cụ để đánh bắt xa bờ. Xã viên Hợp tác xã đánh bắt theo tổ, đội với nhiều tàu thuyền để cứu giúp nhau khi bị nạn trên biển…
Biển là nơi mưu sinh nhọc nhằn, nơi “đi về” của những con tàu và hàng triệu ngư dân đất Việt. Trải qua bao đời, sự hiện diện của họ là những cột mốc di động, một trong những bằng chứng không thể tranh cãi về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
>> Năm 2012, ngư dân Phổ Thạnh đầu tư đóng mới và cải hoán 21 tàu cá, nâng tổng số tàu cá hiện có trong toàn xã lên 926 chiếc với tổng công suất gần 150.000CV. Trong năm, ngư dân trong xã cũng đã khai thác được 36.500 tấn hải sản, đạt 100% kế hoạch. Thực hiện Quyết định 48 của Chính phủ, đến nay đã có hơn 42 lượt tàu cá của ngư dân được hỗ trợ với số tiền trên 1,9 tỷ đồng. |