(TSVN) – Từ nay đến cuối năm 2021, nhu cầu nhập khẩu thủy sản Việt Nam của các nước sẽ tăng cao. Nhưng các doanh nghiệp chế biến lại đang có nguy cơ mất cơ hội do phải cắt giảm công suất hoạt động, thiếu công nhân, hoạt động thu mua thủy sản khó khăn…
Theo báo cáo của Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN&PTNT tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam (Tổ công tác 970) ngày 9/8 về tình hình sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, dự báo các sản phẩm đông lạnh (chủ yếu là thủy sản) xuất khẩu sẽ tăng nhu cầu từ tháng 9/2021 đến tháng 1/2022 do các quốc gia nhập khẩu bắt đầu mùa đông từ ngày 20/9 hằng năm đến giữa tháng 3 năm sau. Đây là thời điểm mà các sản phẩm nhiệt đới ở các quốc gia nhập khẩu không sản xuất được nhiều (có sản xuất được cũng có chi phí cao hơn nhập khẩu), nên các nước sẽ tăng nhu cầu nhập khẩu từ các nước nhiệt đới như Việt Nam.
Theo đó, các nước nhập khẩu sẽ tăng lượng hàng thu mua từ nay đến cuối tháng 10/2021 để trữ hàng bán vào dịp năm mới 2022 và các lễ hội của thế giới diễn ra từ tuần thứ 2 của tháng 11/2021. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhập khẩu cũng đang săn tìm các hợp đồng dài hạn để ký với giá cố định cho đến mùa hè năm sau (tháng 6/2022).
Ảnh minh họa
Thế nhưng, hoạt động sản xuất và chế biển thủy sản tại Nam bộ đang rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như các quy định về kiểm soát lưu thông do tâm lý lo ngại dịch lây lan, dẫn đến có thể bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu. Theo tổ công tác 970, tại các tỉnh phía Nam đang có 324/449 cơ sở chế biến thủy sản đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ” nên vẫn tiếp tục hoạt động, chiếm 72%. Số còn lại không đáp ứng yêu cầu nên phải tạm dừng hoạt động, riêng tỉnh Tiền Giang chỉ có 6/31 cơ sở đáp ứng điều kiện.
Tình trạng thiếu công nhân hoặc phải chia ca sản xuất nên tổng công suất chế biến thủy sản giảm khoảng 30 – 50%. Do các nhà máy phải tạm ngừng hoạt động, gây khó khăn cho các cơ sở nuôi đến kỳ thu hoạch. Hiện nay, một số nhà máy chế biến thủy sản, tiêu biểu như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) đang phải huy động công nhân đi thu hoạch cá tra trên diện tích thả nuôi tại nhiều tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang nhưng gặp khó khăn trở ngại khi đi lại giữa các tỉnh.
Dự báo, những tháng cuối năm 2021 là thời kỳ thu hoạch chính đối với tôm, cá tra. Do vậy, tổ công tác kiến nghị cần có cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong quá trình kiểm soát dịch bệnh để tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là với các nhà máy chế biến hàng xuất khẩu.
Đồng thời, Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng trong chuỗi cung ứng: tài xế, ghe, sà lan vận chuyển, công nhân tại các nhà máy, bốc xếp tại cảng, giám định hàng hóa, khử trùng, nhân sự giao nhận xuất nhập khẩu của các công ty xuất khẩu phải giao dịch chứng từ ở nhiều nơi là cảng, hải quan, văn phòng cấp C/O, kiểm dịch… Tạo điều kiện đi lại cho các nhân sự này trong thời gian giãn cách vì lực lượng này đang duy trì hoạt động xuất khẩu cho cả nước.