T2, 06/07/2020 10:14

Phá Tam Giang có một “ông tổ nghề”…

Chưa có đánh giá về bài viết

Với những người dân trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, Phan Thế Phương, nguyên Giám đốc Sở Thủy sản Bình Trị Thiên từ lâu đã trở thành “người hùng”, ông được tôn vinh là “ông tổ nghề nuôi tôm” ở vùng đất này.

Người hùng thời hiện đại

Về thôn 14, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tôi lần đầu tiên được thắp hương trong miếu thờ “ông tổ nghề nuôi tôm” Thừa Thiên – Huế. Di ảnh thờ trong chính điện là ông Phan Thế Phương, theo bà con ở đây, di ảnh còn được ngư dân các huyện Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc đặt trên bàn thờ tại chòi tôm của mình.

 Phan Thế Phương mất trong một tai nạn ô tô tại Bình Thuận năm 1991, trên đường công tác. Năm 2003, Phan Thế Phương được Chủ tịch Nước truy phong Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; nhưng từ khi còn sống, với ngư dân đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, ông đã là anh hùng, bởi những đóng góp không nhỏ làm thay đổi đời sống vạn chài lênh đênh, giúp nhiều ngư dân tay trắng thành triệu phú, tỷ phú.

Phá Tam Giang – Cầu Hai rộng hơn 22.000 ha, tiềm năng phát triển rất lớn, nhưng từ bao đời nay hơn 320.000 cư dân vạn đò vẫn lênh đênh, nghèo khó, thất học triền miên. Từ đầu những năm 1980, tỉnh đã chủ trương xây dựng các khu định cư cho dân vạn đò. Nhưng định cư rồi sẽ sống ra sao? Chưa có lời giải đáp. Thực tế không ít khu định cư đã không “giữ” nổi ngư dân trên bờ.

 

Hiện ở vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, diện tích nuôi tôm đã lên tới 1.500 ha – Ảnh: Quốc Minh

Hết lòng vì dân

>> Ngư dân thôn 14, xã Quảng Công tự góp công góp tiền xây miếu thờ, tôn vinh Phan Thế Phương là “ông tổ nghề nuôi tôm” ở Thừa Thiên – Huế. Miếu được xây tại thôn 14, hướng ra phía Tam Giang, với kiến trúc truyền thống Huế, hàng chục năm nay không lúc nào tắt khói hương.

Năm 1985, Giám đốc Sở Thủy sản – Phan Thế Phương chủ trì lập dự án, khu định cư gắn với nuôi trồng thủy sản xuất khẩu. Những ngày nghỉ, lễ, phép, ông đã đến Quảng Công và “ba cùng” (ăn, ở, làm) với dân, nghiên cứu phương cách định cư, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho dân. Con tôm được ông nuôi thí điểm trên diện tích 0,5 ha ở thôn 14, xã Quảng Công; giống, thức ăn, chăm sóc đều do một tay ông trực tiếp lo liệu… Ngược xuôi Đà Nẵng, Nha Trang mua giống về hướng dẫn người nuôi.

Thành công 0,5 ha kể trên đã mở ra hướng làm ăn mới cho cư dân đầm phá, đồng thời tạo bước đột phá cho ngành thủy sản Thừa Thiên – Huế. Với dân thành phố, Phan Thế Phương là Giám đốc Sở, nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Thủy sản rồi Trưởng phòng Giáo vụ, Trường Đại học Thủy sản…; nhưng với bà con đầm phá, ông là một ngư dân thực thụ lưng trần, quần cộc lội hết ao tôm này vuông tôm khác, lo cùng cái lo của bà con mới vào nghề.

Sau thắng lợi những vụ tôm nuôi đầu tiên ở thôn 14 xã Quảng Công, ngành thủy sản Thừa Thiên – Huế tổ chức nhân rộng mô hình định cư nuôi trồng thủy sản. Ngoài tôm, Phan Thế Phương còn hướng dẫn ngư dân mở rộng các loại thủy sản nuôi khác (như cua, cá hồng, cá dìa, rong câu…), đem lại nguồn thủy sản đa dạng, tạo thêm thu nhập. Qua từng vụ, từng năm, từ 0,5 ha tôm nuôi đầu tiên đến khi ông ra đi (1991), diện tích tôm nuôi ở đây đã gần 1.500 ha. Đến nay, toàn tỉnh đã có diện tích nuôi trồng thủy sản 4.500 ha, sản lượng hơn 15.000 tấn/năm, thủy sản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Nhờ Anh hùng Phan Thế Phương nhiều ngư dân vùng đầm phá đã đổi đời

 Hơn thế, mô hình định cư nuôi trồng thủy sản giúp hàng ngàn hộ dân vạn chài đổi đời trong thời gian ngắn. Đến nay đã có hơn 3.000 hộ ngư dân định cư nuôi trồng thủy sản. Riêng xã Quảng Công, diện tích nuôi trồng thủy sản đã là 300 ha; thôn 14 từ vài hộ thí điểm đã có thêm 100 hộ định cư và nhiều người đã thành triệu phú, tỷ phú. Các anh Phạm Việt, Phạm Dũng…, những người đầu tiên được Phan Thế Phương hướng dẫn, định cư nuôi tôm, nay đã là chủ của gần chục ao tôm, thu nhập hơn 500 triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm.

Sinh thời, có lẽ Phan Thế phương không bao giờ nghĩ mình sẽ là “ông tổ nghề nuôi tôm”, được người dân lập miếu thờ như hiện nay. Nhưng với ngư dân trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, từ lâu ông đã trở thành người anh hùng trong lòng của họ. Ông đã sống hết mình vì sự an cư, no ấm của bà con ngư dân, đến cả khi mất rồi, ông vẫn đồng hành cùng họ trên con đường xóa đói giảm nghèo của quê hương Thừa Thiên – Huế như một sự tích thời hiện đại.

>> Phá Tam Giang – Cầu Hai dài 70 cây số, từ cửa sông Ô Lâu, đầu huyện Phong Điền đến chân đèo Hải Vân (Phú Lộc). Đây là vùng đất ngập mặn lớn nhất Đông Nam Á, “biển cạn” này là tài nguyên kinh tế – du lịch lớn chưa được khai thác. Theo điều tra, vùng đầm phá này có nguồn gen cao nhất so với các đầm phá ở Việt Nam: gồm 921 loài thuộc 444 chi, giống và 237 họ; 230 loài cá với 23 loài cá kinh tế; 12 loài tôm; 18 loài cua, cùng nhiều loài trìa, sò huyết, rau câu… Trữ lượng tôm cá hàng trăm ngàn tấn với các loại cá quý như cá mú, cá dìa, cá chim, cá đối…

Ngô Minh Thuyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!