Bây giờ ở Hưng Nguyên, trên các xứ đồng bà con đang khẩn trương thu hoạch cá vụ 3 để trả đất cho vụ xuân sắp tới. Và, đây là một vụ cá thắng lợi.
Tại xóm 6, xã Hưng Phúc được chứng kiến cảnh bà con đang thu hoạch cá. Cánh đồng rộng 5 ha vừa tháo cạn nước, chân ruộng sạch không còn một gốc rạ, ngọn cỏ; sau 3 tháng giữ nước cộng với việc “làm cỏ sục bùn” của lũ, cá đã tạo nên trên các chân ruộng cái màu nâu sáng phì nhiêu. Ở chân ruộng trũng cá dồn về “đặc nước”. Bên chân ruộng, sau một mẻ lưới kéo vội để cho khách hàng kịp đi phiên chợ sáng, anh nông dân Nguyễn Văn Sinh nhà ở xóm 6 có cuộc trao đổi ngắn với chúng tôi: Nhóm nuôi cá ruộng lúa của anh có 8 hộ, với tổng diện tích là 5 ha. Trên cơ sở tự nguyện, 8 hộ này liên kết với nhau đã 3 năm nay. Ruộng của các hộ tham gia chỉ có 4 ha, còn 1 ha mượn của các hộ khác.
Theo anh Sinh, cái khó nhất của nuôi cá vụ 3 là phải liền vùng liền khoảnh, có bờ bao chắc chắn. Để giải quyết việc này, nhóm trưởng đứng ra mượn của các hộ khác không đủ điều kiện tham gia với sự cam kết là sẽ hoàn trả lại mặt bằng đúng như hiện trạng sau khi thu hoạch cá. Lệ phí thuê ruộng là những con cá to nhất ruộng, năm nay do nguồn giống khan hiếm nên chỉ mua được hơn 5 tạ giống loại từ 3-5 con/kg. Sau 3 tháng thu hoạch được 1,5 tấn, bán với giá 50 ngàn đồng/kg tại ruộng. Với ưu điểm nổi trội so với cá nuôi trong ao là thịt săn chắc, thơm do vận động nhiều nên giá bán cao hơn cá ao, lại dễ bán hơn, người mua thường tìm đến tại ruộng. Theo anh Sinh, năm nay nhờ trời ít mưa, không bị lụt nên người nuôi cũng đỡ vất vả. Mọi năm vào tiết lụt lội là cả nhóm phải túc trực để ứng cứu trên bờ, nhiều năm nước lớn quá đành ngậm ngùi nhìn đàn cá ra đi theo ngày nước. Cái khó nhất của nuôi cá vụ 3 là giữ cá trong những ngày mưa lụt. Thứ nữa là vận động mượn ruộng, lúc đầu khó khăn lắm, nhưng qua một vài vụ bà con thấy ruộng không bị hư hại mà cây lúa tốt hơn, đỡ công làm cỏ… nên bà con vui lòng thuận cho.
Thu hoạch cá vụ 3 ở Hưng Phúc (Hưng Nguyên).
Để khuyến khích phong trào, nuôi cá vụ 3 được đưa vào Nghị quyết của hội đồng nhân dân xã Hưng Phúc. Theo đó, mô hình có diện tích 2 ha được hỗ trợ 3 triệu đồng, 5 ha trở lên hỗ trợ 10 triệu đồng để kiến thiết cơ bản. Ngoài ra nếu lũ lụt gây thiệt hại, xã sẽ hỗ trợ 100% số tiền cá giống. Và bà con còn được nguồn hỗ trợ của huyện. Theo ông Nguyễn Thanh Sâm – Chủ tịch UNBD xã, năm nay xã đã bỏ ra 10 triệu đồng để hỗ trợ cho bà con. Từ 10 triệu đồng “kích cầu” đó mà vụ cá năm nay từ 3 mô hình của xã, bà con thu về hàng trăm triệu đồng tiền lãi. Nhóm của ông Nguyễn Đình Vi ở xóm 5 với diện tích 3 ha, lãi được 36 triệu đồng. Bình quân 1 ha thu nhập 12 triệu đồng. Từ hiệu quả đó sang năm xã sẽ chỉ đạo các xóm vận động mở rộng diện tích nuôi cá vụ 3 ở những vùng có đủ điều kiện.
Theo ông Hoàng Đức Ân- Phó phòng Nông nghiệp huyện thì những năm gần đây, diện tích sản xuất vụ đông của huyện giảm nhanh. Huyện đang có hướng phát triển nuôi cá vụ 3 để tăng diện tích vụ đông; cùng với đó có cơ chế xây dựng các mô hình trọng điểm, như hỗ trợ kinh phí đắp bờ, mua lưới… Hiện nay Hưng Nguyên có khoảng 800 – 1000 ha ruộng đất thịt nặng, khó sản xuất cây vụ đông đang hướng chuyển sang nuôi cá. Trong năm 2012, chỉ tiêu của huyện đề ra là phát triển 400 ha nuôi cá vụ 3, nhưng chỉ mới đạt được hơn 300 ha, tăng so với năm trước hơn 100 ha. Những địa phương phát triển nhanh là Hưng Đạo, Hưng Lợi, Hưng Xuân, Hưng Thịnh… Năng suất bình quân của toàn huyện đạt 3-5 tạ/ha. Cũng theo ông Ân, Hưng Nguyên là địa bàn phụ cận Thành phố Vinh là nơi tiêu thụ lớn để giải quyết đầu ra. Tuy nhiên, để cá vụ 3 phát triển cũng đang gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Đó là kinh phí để xây dựng bờ bao, chưa chủ động được nguồn giống, việc vận động bà con cho mượn đất ruộng… Để đạt được chỉ tiêu đề ra, Hưng Nguyên đang từng bước tháo gỡ khó khăn để nuôi cá vụ 3 trở thành vụ sản xuất chính trong năm.