Tháo bỏ nhiều “nút thắt” cho doanh nghiệp thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Báo cáo của Tổ công tác 970 cập nhật đến 16/8 của Bộ NN&PTNT, nhìn chung hoạt động sản xuất thủy sản vẫn đang duy trì. Nhưng tình hình chế biến xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn; số doanh nghiệp tại khu vực Nam bộ tạm dừng sản xuất là 123 cơ sở, còn 326/449 cơ sở tiếp tục sản xuất (chiếm 65%).

Doanh nghiệp “hụt hơi”

Theo thông tin từ Tổ công tác 970, 13 tỉnh/thành vùng ĐBSCL là trung tâm thủy sản của cả nước, sản xuất khoảng 84% sản lượng tôm, 100% sản lượng cá tra.

Tình hình con giống, thức ăn và vật tư thủy sản vẫn ổn định. Toàn vùng chỉ có 6/120 nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp đang phải tạm ngưng, không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất NTTS. Khó khăn về thiếu nhân lực thu hoạch, ách tắc vận chuyển trong sản xuất thủy sản tại một số địa phương cơ bản đã được tháo gỡ… Tuy nhiên, do thiếu công nhân và chia ca để phòng, chống dịch nên tổng công suất của các nhà máy chế biến thủy sản chỉ khoảng 30 – 40% so trước khi áp dụng Chỉ thị 16. Cùng đó, do TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam bộ đều kéo dài thời gian giãn cách sau 15/8/2021 nên các doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ thêm khó khăn bởi chi phí “3 tại chỗ” rất cao. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến toàn chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản…

Như với ngành cá ngừ, hiện nay, rất ít các doanh nghiệp đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” và số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30 – 50%; công suất sản xuất trung bình đã giảm còn 40 – 50% so trước đây. Ngoài ra, một loạt các biện pháp kiểm soát nhằm phòng, chống dịch COVID-19 được các tỉnh thực hiện trong thời gian qua đã tạo ra nhiều bất cập, khiến cho việc vận chuyển lưu thông, vận chuyển cá ngừ nguyên liệu bị chậm trễ ảnh hưởng tới các hoạt động của các nhà máy chế biến. Không những thế, theo các doanh nghiệp, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển quốc tế và Việt Nam cũng đang khiến cho việc nhập khẩu nguyên liệu trở nên khó khăn và mất nhiều thời gian hơn. Cụ thể, đình trệ tại cảng quốc tế Diêm Điền và một loạt cảng container quan trọng khác của Trung Quốc từ trung tuần trung tuần tháng 6 trở lại đây đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có cá ngừ. Và ngay tại Việt Nam, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động của các cảng, như cảng Cát Lái. Tất cả các vấn đề này, mô hình chung đang làm hạn chế nguồn cung cá ngừ nguyên liệu cho các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cá tra cũng cùng chung tình trạng khó khăn này. Như chia sẻ của các doanh nghiệp cá tra tại tỉnh Đồng Tháp, khó khăn lớn nhất của các nhà máy chế biến các tra là thực hiện “3 tại chỗ” vì phát sinh quá nhiều chi phí, công và lương người lao động tăng, vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa gặp nhiều khó khăn; người lao động không muốn làm “3 tại chỗ” vì xa nhà.. Những tác động này đã khiến cho các doanh nghiệp giảm công suất chế biến hoặc đóng cửa. Nhiều doanh nghiệp đề xuất thực hiện linh hoạt “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến” và doanh nghiệp được chịu trách nhiệm kiểm tra sức khỏe, test COVID-19 trước khi vào làm việc tại nhà máy đối với công nhân và người lao động. Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết, tình hình của các doanh nghiệp cá tra hiện nay vô cùng khó khăn, nhất là việc thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Do một số doanh nghiệp có vị trí, mặt bằng rộng thì có thể lo được, còn lại đa phần đều lâm vào thế khó. Chính vì vậy, ưu tiên hàng đầu hiện nay là công nhân phải được tiêm vacccine phòng COVID-19. Ngoài nguồn vaccine Chính phủ phân bổ, theo ông Quốc, Hiệp hội cũng kiến nghị cho phép các doanh nghiệp có tiềm lực và khả năng có thể tự mua vaccine để phục vụ cho nhu cầu cấp bách hiện nay. Bên cạnh đó, với tình hình sản xuất kinh doanh đình đốn, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ về tín dụng (tăng hạn mức, kéo dài thời gian), miễn giảm về thuế, phí… để “tiếp sức” doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Chung tay chia sẻ

Để có thể đánh giá chính xác tình hình thực tế và đề xuất các phương án trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT có kế hoạch làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương và một số bộ ngành liên quan để cùng tháo gỡ các khó khăn của một số hiệp hội. Lãnh đạo Bộ đã giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội. Do đó, ngày 17/8, Cục đã có Công văn số 627/CBTTNS-TN gửi tới các hiệp hội ngành hàng về việc báo cáo khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19. Theo đó, đề nghị các hiệp hội báo cáo và cung cấp các thông tin về: Vấn đề lãi suất, tiếp cận tín dụng, hạn mức cho vay của các ngân hàng đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, các khó khăn, vướng mắc cụ thể hiện nay. Vấn đề chi phí điện năng, logistic của các cơ sở chế biến. Tình hình tiến độ tiêm vaciccine của các doanh nghiệp thuộc hội, hiệp hội cho các nhân công làm việc trong các cơ sở chế biến nông, thủy sản…

Ngày 18/8, VASEP cũng có công văn số 99/CV-VASEP gửi tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư góp ý Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ Doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Trong đó có một số góp ý như: Giảm 30% tiền điện cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản cho giai đoạn 6 tháng cuối năm 2021. Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả lương cho người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp khi người lao động phải đi cách ly hoặc dừng sản xuất theo quy định chống dịch trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ. Về phí công đoàn: Sửa đổi đối tượng doanh nghiệp để toàn bộ việc hỗ trợ liên quan đến phí công đoàn và kinh phí công đoàn 2% quỹ lương áp dụng cho các doanh nghiệp chứ không chỉ riêng các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19; sửa đổi rõ mức giảm đóng kinh phí công đoàn xuống tối đa 1% từ mức 2% quỹ lương. Về các chi phí sản xuất: Đề nghị giảm ít nhất 50% phí hạ tầng của các khu công nghiệp từ tháng 8/2021 – 6/2022. Về phí dịch vụ cảng biển: Đề nghị TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng dừng thực hiện việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển từ tháng 8/2021 – 6/2022 và điều chỉnh giảm ít nhất 30% các mức phí đang áp dụng; đề nghị các cảng biển giảm ít nhất 50% các phí dịch vụ tại cảng (phí nâng hạ container, phí bốc dỡ, lưu kho, cắm điện…) từ tháng 8/2021 – 6/2022.

Ngọc Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!