(TSVN) – Với xu hướng nuôi tôm an toàn, bền vững và tìm kiếm giải pháp thay thế kháng sinh thì việc sử dụng thảo dược là xu hướng chính được cả người nuôi và các nhà khoa học quan tâm.
Các loại thảo mộc, các chế phẩm thảo dược có vai trò lớn trong việc nuôi tôm không kháng sinh, giúp kiểm soát dịch bệnh vì chúng có chứa các thành phần hoạt tính với chất chống ôxy hóa, chống vi khuẩn, chống stress, kích thích tăng trưởng, kích thích sự thèm ăn, tăng cường hệ miễn dịch và kích thích sinh sản. Việc áp dụng quy trình nuôi tôm bằng thảo dược đã được các nhà khoa học nghiên cứu và áp dụng thành công.
Kháng khuẩn: Trong hầu hết các trường hợp, phenolics, polysaccharides, proteoglycans và flavonoids đóng một vai trò chính trong việc ngăn ngừa hoặc kiểm soát các vi khuẩn lây nhiễm.
Kháng virus gây bệnh: Nhiều loại thảo mộc đã được sử dụng từ lâu như là biện pháp khắc phục tại nhà và một số trong đó có các đặc tính chống virus mạnh. Có khả năng ức chế hoặc ngăn chặn sự sao chép của virus, làm giảm sự nhân lên của virus trong tế bao vật chủ, tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi.
Chống nấm, ký sinh trùng: Các chất chiết xuất thực vật thảo mộc ảnh hưởng đến sự phân tách các thành tế bào nấm, làm thay đổi màng thấm tế bào, ảnh hưởng đến sự trao đổi chất và tổng hợp protein, cuối cùng tiêu diệt nấm, khống chế thành công các tác nhân gây bệnh như: Aspergillus flavus và Fusarium oxysporum, bởi các chất chiết xuất ethanol, methanol và hexane từ lá hạnh nhân Ấn Độ (O. Basilicum), chiết xuất từ cây Bàng (T. Catappa).
Kích thích tăng trưởng, miễn dịch và sự thèm ăn: Nhiều báo cáo đã ghi nhận hiệu quả của các loại thảo mộc như là chất khai vị và thúc đẩy tăng trưởng trong các loài thủy sản. Theo Lee và Gao (2012), các loại thảo mộc hoạt động như là một hương vị và do đó ảnh hưởng đến sự thèm ăn như tiết dịch tiêu hóa và tăng lượng thức ăn ăn vào, đồng thời giảm FCR.
Hormone, kháng sinh, vitamin và một số hóa chất khác đã được thử nghiệm trong các hoạt động NTTS để tìm các biện pháp khắc phục khác nhau. Mặc dù chúng mang lại hiệu quả tích cực, nhưng chúng không thể được khuyến khích do tồn dư và các tác dụng phụ khác. Các chế phẩm sinh học thảo dược thay thế trong NTTS, có đặc tính tăng khả năng tăng trưởng và cải thiện hệ miễn dịch, có tác dụng kích thích sự thèm ăn. Chúng làm tăng khả năng tiêu thụ, tăng trưởng và có khả năng kháng khuẩn cũng như các đặc tính chống trầm cảm sẽ được sử dụng rộng rãi trong nuôi tôm và các loài cá vây khác mà không gặp bất kỳ vấn đề môi trường và nguy hiểm nào. Sử dụng y sinh thảo dược đang mở ra những lựa chọn thay thế rất hiệu quả cho thuốc kháng sinh và các hợp chất tổng hợp khác.
Nghề nuôi tôm hiện nay đang được đầu tư và định hướng để phát triển bền vững; tuy nhiên, tình hình dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều, điều trị ngày càng khó khăn. Do vậy, việc phòng và trị bằng thảo dược ngày càng được ưa chuộng với nhiều ưu điểm như rẻ, dễ chuẩn bị, hiệu quả phòng bệnh cao, giúp tăng cường hệ miễn dịch tôm mà không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Dùng các loại thảo dược để thay thế các loại hóa chất trong nuôi tôm công nghiệp đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Việc làm này không chỉ giúp người nuôi giảm chi phí đầu tư, tăng thêm lợi nhuận, mà còn hạn chế việc lạm dụng các loại hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng. Từ đó, cung cấp cho thị trường nguồn tôm nguyên liệu sạch.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, các sản phẩm có chiết xuất từ thảo dược đang tăng nhanh với tỷ lệ hàng năm từ 5 – 15%. Hiện tại và trong tương lai chúng đang trở thành nguồn cung cấp các liệu pháp chữa bệnh cho động vật thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng.
Tỏi là một thảo dược đa năng và thông dụng nhất với khả năng phòng và chữa trị nhiều bệnh. Hiện nay, người nuôi thường dùng tỏi để trị bệnh đường ruột cho tôm do vi khuẩn gây ra, mỗi ngày dùng 50 g tỏi nghiền nát cho 10 kg thức ăn và cho tôm ăn liên tục trong 5 – 6 ngày.
Cao chiết củ riềng được xác định có khả năng ức chế sự phát triển của V. parahaemolyticus (Chaweepack và cộng sự, 2015). Cao chiết có chứa 1′-acetoxyeugugenol acetate là thành phần có thể ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn gram dương như Staphylococcus cerevisiae, S. epidermidis, S. aureus và Bacillus cereus (Oonmetta-aree et al., 2006). Nghiên cứu của Canillac và Mourey (2001) ghi nhận 8 loài Vibrio spp. nhạy cảm với cao chiết củ riềng, trong đó có V. harveyi.
Tinh dầu xạ hương dạng vi nang có hoạt tính kháng khuẩn đối với V. parahaemolyticus và V. alginolyticus. Hàm lượng tinh dầu xạ hương ở mức 0,25 mg/kg kháng lại V. parahaemolyticus và cũng kháng lại vi khuẩn V. alginolyticus (theo O. Tomazelli Júnior và cộng sự, 2016).
Cây chó đẻ (Diệp Hạ Châu): Loại thảo dược có chứa rất nhiều hợp chất có hoạt tính giúp kháng viêm, chống ung thư, bảo vệ gan… Sử dụng cây chó đẻ trong nuôi tôm có thể trộn với thức ăn để phòng bệnh và tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.
Cây đậu dầu: Rameshthangam và Ramasamy (2007) ghi nhận việc bổ sung bis (2-metylheptyl) phthalate được chiết xuất từ lá cây đậu dầu (Pongamia pinnata) đã làm tăng tỷ lệ sống của tôm sú (Penaeus monodon) khi gây nhiễm WSSV, với mức bổ sung 200 và 300 µg cao chiết tương ứng với tỉ lệ sống 40% và 80%.
Khả năng diệt khuẩn của dịch chiết lá sim và dịch chiết hạt sim (Rhodomyrtus tomentosa) đối với các chủng vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (V. parahaemolyticus) cũng được xác định là hiệu quả trong điều kiện phòng thí nghiệm. Trong đó, dịch chiết hạt sim thể hiện hoạt tính kháng vi khuẩn gây AHPND cao hơn so với dịch chiết lá sim (Đặng Thị Lụa và ctv., 2015).
Các nhà nghiên cứu tại Mexico đã tiến hành thí nghiệm sử dụng nha đam trong việc tăng cường khả năng kháng bệnh AHPND và WSD trên TTCT cho kết quả khả quan. Cụ thể, khi bổ sung nha đam với tỷ lệ 1 g/kg thức ăn với tần suất 2 ngày/lần sẽ giúp tôm bị cảm nhiễm với WSSV + Vibrio có tỷ lệ sống cao hơn.
Sâm đại hành có tác dụng kháng khuẩn và chống ôxy hóa đặc biệt là khả năng ức chế sự phát triển của V. harveyi vì nó có chứa flavonoid, tannin, saponin, quinone, steroid và triterpenoid. Chiết xuất sâm đại hành có khả năng cải thiện hiệu suất tăng trưởng, phản ứng miễn dịch của tôm và ngăn chặn sự phát triển của tế bào V. harveyi trong điều kiện nghiên cứu quy mô phòng thí nghiệm.
Ngoài ra, còn rất nhiều loại thảo dược đã được sử dụng rộng rãi trong phòng và điều trị bệnh cho tôm nuôi như: gừng, cây đậu mười, sài đất, nhọ nồi, cây xuyên tâm liên…
Phương Đông
Tổng hợp