Tìm giải pháp hỗ trợ sản xuất những tháng cuối năm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sáng nay tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức cuộc họp trực tuyến về sản xuất, tiêu thụ thủy sản những tháng cuối năm 2021 và khó khăn vướng mắc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Cuộc họp do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì. Tại đây, nhiều địa phương và doanh nghiệp đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất hiện tại và đề xuất các giải pháp tháo gỡ cũng như kiến nghị với Chính phủ, Bộ, ngành.

Mở đầu cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng hiện nay cả trong khai thác và nuôi trồng thủy sản đều rất khó khăn. Nhiều cảng cá đóng cửa vì xuất hiện F0, cá tra và tôm tồn đọng và giá bán giảm sâu… Để giải quyết, đánh giá, báo cáo và kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản thì phải biết rõ lưu thông phân phối, vốn… có vấn đề gì không. Hiện phải tính toán cho vụ nuôi mới, nếu không chuẩn bị tốt, không đảm bảo an toàn sinh học trong nuôi trồng thì không có vụ mới thắng lợi. Dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài, vừa đảm bảo chống dịch vừa phát triển, vì hiện nay trong ngành nông nghiệp dư địa phát triển chỉ ở chăn nuôi và thủy sản. 

Báo cáo tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, tính đến cuối tháng 8, thủy sản bị ảnh hưởng của đại dịch rất lớn. Mặc dù tính chung 8 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng của ngành vẫn tốt, thế nhưng mức tăng này là do 7 tháng trước, bởi trong tháng 8, thủy sản tăng trưởng âm. Cả nước hiện có 170 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản. Hiện có 15 nhà máy ngừng sản xuất, trong đó có 2 nhà máy sản xuất thức ăn cho tôm, 13 nhà máy sản xuất thức ăn cá. Hiện các nhà máy đang hoạt động thì bị thiếu vật tư đầu vào như bao bì, nhãn mác, lưu thông cũng rất khó khăn…

Giải pháp để sản xuất ổn định hiện nay là cần tăng cường giám sát nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh liên kết đáp ứng cung cầu; nhà máy chung tay hỗ trợ người nuôi về thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, nhất là không tăng giá bán trong giai đoạn hiện nay… Sắp tới, Bộ Công thương, ngành Điện lực cần quan tâm tới nuôi tôm công nghiệp. Bộ Giao thông vận tải rà soát, chấn chỉnh lưu thông tại các địa phương; ngân hàng giãn nợ, khoanh nợ cho người vay và có thêm nguồn tín dụng để người dân, doanh nghiệp có vốn tái sản xuất. Cùng đó, các địa phương cũng cần khơi thông ách tắc trong sản xuất, thanh tra, xử lý tình trạng thương lái ép giá người nuôi, hỗ trợ các cảng cá hoạt động trở lại. Doanh nghiệp tăng cường thu mua để tránh thủy, hải sản giảm giá sâu…  

Tại cuộc họp lần này, các doanh nghiệp đều nhất trí với giải pháp và kiến nghị của Tổng cục Thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay điều doanh nghiệp băn khoăn nhất là vấn đề vaccine, bởi vaccine đang rất thiếu, việc bố trí cũng không đảm bảo vì nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể tiêm đầy đủ cho công nhân. Doanh nghiệp cũng mong muốn Bộ Y tế nên có quy định rõ ràng với những người tiêm đủ 2 mũi hay 1 mũi chứ không nên đánh đồng như hiện nay. Còn theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, thì nên xã hội hóa vaccine, chứ đợi phân bổ của địa phương thì không ổn, nên cho tiêm dịch vụ. Cùng đó, hãy phân tách rõ doanh nghiệp làm ăn tốt với doanh nghiệp chưa thực sự đảm bảo, bởi vì sự đánh đồng như hiện nay gây thiệt hại rất lớn.

Thu Hồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!