Hiện nay, việc sử dụng các sản phẩm thuốc thú y thủy sản không đúng cách đã để lại những vấn đề nan giải. Việc sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm đang được coi là giải pháp thay thế hữu hiệu. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng thực tế các sản phẩm này vẫn khiến nhiều người lo lắng.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP: Cần kịp thời điều chỉnh hoạt động nuôi
Năm 2012, ngành tôm đối diện với nhiều khó khăn như dịch bệnh tôm tràn lan, rào cản từ vấn đề về Ethoxyquin, khó khăn của thị trường và giá thành nhiều biển động. Tất cả những điều này đã khiến ngành tôm liên tục gặp khó trong năm qua, và có thể sẽ tác động đến cả năm 2013. Cần phải có nhiều biện pháp giải quyết sớm tình trạng này để ngành tôm trở lại bình thường.
Năm qua, vấn đề dư lượng kháng sinh trong tôm còn nan giải, đặc biệt là ở các sản phẩm xuất khẩu, như trường hợp chất Ethoxyquin là một điển hình. Đây là vấn đề mới phát sinh nhưng rất nan giải và không dễ giải quyết, nó đã tác động mạnh đến thị trường. Hiện nay, chúng ta vẫn cần thêm thời gian để tháo gỡ, kiến nghị để phía Nhật Bản xem xét lại hạn mức quy định trong sản phẩm tôm nhập khẩu của Việt Nam. Chúng ta cũng phải chủ động, như hoạt động nuôi cần điều chỉnh để kịp thời, tránh tồn dư dư lượng kháng sinh.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý phù hợp. Bởi các chất này nếu không được quản lý nghiêm khắc rất dễ quay trở lại. Điều này có nghĩa là nếu tình hình dịch bệnh không được giải quyết tốt, người nuôi còn “tự bơi” thì có thể họ sẽ lại tìm đến và có cầu ắt có cung dưới các hình thức khác. Vấn đề kháng sinh rất quan trọng nên cần phải giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, để làm tốt được điều này, theo tôi nghĩ, trước tiên phải giải quyết được vấn đề quy hoạch vùng nuôi, tìm phương pháp nuôi thân thiện…
Sử dụng CPSH là một giải pháp hữu hiệu trong nuôi tôm – Ảnh: Phan Thanh Cường
Ông Phạm Văn Tình – Nguyên Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Bà con cần làm đúng theo hướng dẫn
Chế phẩm sinh học bản chất vừa là vi sinh, vừa là chiết xuất, nó hoàn toàn chứa những vi khuẩn có lợi chứ không có hại. Hầu hết các sản phẩm này đều được nhập khẩu về Việt Nam và trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, CPSH đang trở thành cứu cánh cho nghề nuôi tôm, cũng như giải pháp cho phát triển bền vững. Tuy nhiên bà con cần lưu ý rằng, CPSH có nhiều loại, mỗi loại chỉ có tác dụng đối với những yếu tố nhất định nào đó, do vậy, trước khi sử dụng, người nuôi nên làm theo đúng hướng dẫn, chỉ định. Hơn nữa, mỗi sản phẩm có tính chất khác nhau, nên cần sử dụng đúng liều lượng, đúng chỗ và đúng thời điểm.
Nhưng quan trọng hơn hết là hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu ngừng, tôm chết còn nhiều, thậm chí mới thả khoảng 7-10 ngày cũng bị chết, con giống không bán được, mùa vụ bị chậm lại… Do vậy, trước mắt cần tập trung nhiều biện pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này.
Bà Đỗ Thị Thu Đông – Sở NN&PTNT Quảng Ngãi: Chất lượng hiện vẫn thả nổi
Hiện nay, việc sử dụng các sản phẩm CPSH trong nuôi tôm đã không còn xa lạ. Mặc dù vẫn chưa có phản ánh về hiệu quả không tốt, tuy nhiên, thực tế chất lượng sản phẩm này đến đâu vẫn chưa có dẫn chứng khoa học cụ thể, vì đến nay, hiệu quả của nó chủ yếu là từ quảng cáo của các nhà sản xuất, các đại lý và một vài người nuôi. Mặt khác, chúng ta cũng chưa kiểm soát được chất lượng, sản phẩm mập mờ, cơ quan chức năng cũng chưa lấy mẫu kiểm tra, còn người nông dân chỉ làm theo hướng dẫn của các đại lý, nhà sản xuất, hoặc áp dụng kinh nghiệm của người nuôi khác…
Mặt khác, việc kiểm tra chất lượng được hết các sản phẩm này cũng không đơn giản, nó liên quan đến vấn đề kinh phí và con người. Như ở Quảng Ngãi, chúng tôi cũng đã nhận được chỉ thị của Bộ trưởng, nhưng do thời điểm cuối năm, kinh phí cho hoạt động này không còn nên việc triển khai lấy mẫu vẫn chưa thực hiện được.
“Vua tôm” Bạc Liêu Võ Hồng Ngoãn: Sản phẩm CPSH không đảm bảo chất lượng
Hiện nay, việc sử dụng chế phẩm sinh học (CPSH) trong nuôi tôm được xem là sự tiến bộ trong nuôi trồng, nhằm hướng đến sự phát triển bền vững. Đồng thời, đây còn được coi là giải pháp hữu hiệu trong điều kiện vùng nuôi đang ở tình trạng quá tải. Tuy nhiên hiện nay, nhiều người nuôi lại cảm thấy lo ngại về chất lượng các CPSH đang bán trên thị trường, thành phần vẫn chứa chủng vi khuẩn xấu ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, làm giảm tác dụng đối với tôm nuôi. Điều này khiến người nuôi thêm bức xúc, bởi từ trước đến nay, việc thuốc thú y thủy sản tồn tại thật giả lẫn lộn đã khiến người nuôi điêu đứng. Nó không chỉ thiệt hại về kinh tế cho người nông dân, mà còn hệ lụy kéo dài đối với môi trường ao nuôi.
Để giải quyết vấn đề này, các cấp ngành cần phải vào cuộc gắt gao hơn nữa, để đảm bảo lợi ích của người nuôi tôm, nhất là trong thời điểm hiện nay khi lợi nhuận đã ngày càng giảm. Nhưng quan trọng nhất, theo tôi vẫn là phải quản lý chặt yếu tố đầu vào, như vấn đề con giống, thức ăn thủy sản… vì đây là những yếu tố quyết định rất lớn đến mùa vụ, chất lượng sản phẩm đầu ra, nhưng lại thường có nhiều biến động.
>> Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có khoảng 88 thương hiệu chế phẩm sinh học, dưới 3 dạng: dạng nước, dạng bột và dạng viên. Mỗi loại chứa ít nhất 2 loài vi sinh, nhiều nhất là 6 loài, nhiều CPSH có chứa Enzyme. |