(TSVN) – Ngày 7/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác của Chính phủ làm việc ở TP Hồ Chí Minh đã nói: “Vùng xanh” phải cho hoạt động trở lại chứ “vùng xanh” rồi nhưng vẫn như “vùng đỏ”, “vùng cam”; vẫn “ai ở đâu ở yên đó” thì vùng xanh để làm gì?
Bản chất việc thực hiện giãn cách xã hội nhằm để dịch không lây lan, chứ không phải thực hiện giãn cách xã hội nhằm bắt dân ở trong nhà”.
Vấn đề này, trong thư kiến nghị Chiến lược Phòng chống COVID-19 của các tổ chức xã hội ở Hà Nội hôm 31/8 cũng đã đặt ra. Đó là “sử dụng các khái niệm đảm bảo khoa học phòng, chống dịch dẫn đường cả trên mặt trận làm chính sách và áp dụng chính sách phòng, chống dịch vào thực tế thuận lợi cho chính quyền và sự tham gia chủ động của người dân. Trong đó, ngoài các khái niệm F0, F1, F2 (định nghĩa lấy xét nghiệm làm nền tảng), đưa vào (và dần nâng lên thành cơ bản thực hành hàng ngày) các khái niệm lấy khoa học dịch tễ học làm nền tảng: Vùng/khu vực nguy cơ cao, nhóm người có nguy cơ cao, người đã tiếp xúc có nguy cơ lây nhiễm cao, người nhiễm…”.
Rõ ràng, hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và ngành thủy sản nói riêng cần được áp dụng chính sách phòng, chống dịch dựa trên nền tảng khoa học dịch tễ mà các địa phương đã kiểm soát theo màu cụ thể: vùng xanh, vàng, đỏ. Bởi vì hoạt động sản xuất kinh doanh triển khai trên phạm vi vùng và liên vùng với hàng nghìn người, không thể bị phụ thuộc chặt vào một vài người nhiễm bệnh. Ở từng vùng có các mức độ kiểm soát riêng, trong đó vùng màu xanh cần được lưu thông và liên thông để chuỗi sản xuất không bị đứt gãy. Dĩ nhiên, vẫn chú trọng đảm bảo như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Kinh doanh dịch vụ phải an toàn, người lao động phải an toàn; mở ra hoạt động thì phải kết hợp với tiêm vaccine, xét nghiệm và giữ khoảng cách”.
Những ngày đầu tháng 9, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã nới lỏng giãn cách xã hội từ Chỉ thị 19 xuống Chỉ thị 15 với các “vùng xanh” cụ thể. Từ ngày 7/9, tỉnh Long An và Kiên Giang mỗi tỉnh nới lỏng giãn cách 8 cấp huyện, còn 7 cấp huyện vẫn vùng đỏ theo Chỉ thị 16; tỉnh An Giang nới lỏng 7 cấp huyện, còn 4 cấp huyện vẫn “vùng đỏ”; tỉnh Cà Mau nới lỏng toàn tỉnh, trừ các khu vực phong tỏa. Từ ngày 6/9, tỉnh Bạc Liêu nới lỏng 6 cấp huyện, còn 1 cấp huyện vẫn “vùng đỏ”.
Theo quy định, lưu thông hàng hóa trong các vùng xanh được nới lỏng ở mức bình thường mới. Nhưng để dòng chảy “luồng xanh” hàng hóa được thông suốt còn cần sự phối hợp đồng bộ và hiệu quả giữa chính quyền các địa phương.
Từ thực tiễn, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã có công văn đề xuất TP Cần Thơ chủ trì hội nghị trực tuyến lãnh đạo các địa phương để trao đổi, thống nhất phương thức, nội dung, phối hợp phòng chống dịch, lưu thông hàng hóa. Liên thông vùng xanh, thúc đẩy “luồng xanh” liên kết ĐBSCL trên cơ sở đồng thuận cao và ứng dụng công nghệ mới, là những giải pháp cần thiết để tạo ra giá trị mới.