(TSVN) – Nhờ tác động mạnh lên việc làm giảm tăng trưởng của vi khuẩn in vitro hơn hẳn kẽm thông thường, oxit kẽm hoạt tính đang được coi là một giải pháp dinh dưỡng mới và tiềm năng giúp giảm tỷ lệ chết của tôm do virus đốm trắng (WSSV) gây ra.
Các biện pháp đặc trị dịch bệnh đốm trắng vẫn chưa phát triển hoàn thiện hoặc hiệu quả kém, chủ yếu dựa vào sinh học phân tử cũng như các sản phẩm thảo dược khác. Giãn mật độ thả nuôi cũng có tác dụng giảm tỷ lệ chết do WSSV. Dù có thể hiệu quả, nhưng các biện pháp này khó thực hiện hoặc chi phí thực hiện gây tốn kém đối với người nuôi.
Do đó, nhóm chuyên gia dinh dưỡng tại Provita Supplements và ISF GmbH đã nghiên cứu các khẩu phần ăn chứa hàm lượng oxit kẽm hoạt tính (MAXACTIVAT/Zn) khác nhau và tác dụng về làm giảm tỷ lệ chết do WSSV gây ra trên TTCT. Các nghiên cứu trước đây đã khẳng định vai trò tích cực của MAXACTIVAT/Zn chống lại vi khuẩn E.coli ở gia súc và heo. Khoa học đã chứng minh MAXACTIVAT/Zn (aZnO) tác động mạnh mẽ tới việc kìm hãm tăng trưởng của vi khuẩn in vitro so với oxit kẽm thông thường (Hoffman et al., 2019) nhờ hàng rào niêm mạc ruột được cải thiện. Từ đó tác động tích cực lên sức đề kháng của tôm trước một số dịch bệnh tiêu hóa thường gặp do virus gây ra. Ngoài ra, oxit kẽm cũng cải thiện các chỉ số sức khỏe của tôm (Janczyk et al., 2013; Liu et al., 2014).
Nhóm chuyên gia đã tiến hành thử nghiệm trên 3 nhóm tôm được ăn bổ sung MAXACTIVAT/Zn ở các mức khác nhau: 0 ppm; 135 ppm và 405 ppm. Sau đó, oxit kẽm sau được kích hoạt bằng công nghệ độc quyền để tạo ra sản phẩm đạt sinh khả dụng cao hơn khi tiêu hóa trong cơ thể vật nuôi. Nồng độ kẽm trong MAXACTIVAT/Zn khoảng 74,5%.
Tôm được gây nhiễm dịch bệnh qua đường uống với chủng virus WSSV Thai-1; giám sát các dấu hiệu lâm sàng của dịch bệnh, đồng thời theo dõi tỷ lệ chết định kỳ 2 lần/ngày. Để kiểm soát những yếu tố lạ có thể ảnh hưởng đến kết quả thí nghiệm, các chuyên gia bổ sung thêm một nhóm tôm đối chứng âm. Tiếp đến, đánh giá các chỉ tiêu lâm sàng: sự xuất hiện tỷ lệ chết, sự chấm dứt tỷ lệ chết và tỷ lệ chết lũy kế tới ngày thứ 7.
Các dữ liệu thu được từ thử nghiệm thử thách dịch bệnh WSSV có ý nghĩa lớn do tỷ lệ chết trong nhóm đối chứng không ngoài mức dự báo 73,3% trong khi ở nhóm đối chứng âm là 0.0%.
Tôm nhiễm virus được ăn bổ sung MAXACTIVAT/Zn 405 ppm đạt tỷ lệ chết 33,3%, giảm 40% so với nhóm đối chứng (Hình 1). Ngoài ra, tỷ lệ chết của nhóm tôm được ăn bổ sung kẽm hoạt tính 135 ppm cũng giảm 20%.
Kẽm hoạt tính cũng tác động tích cực lên tỷ lệ chết lũy kế. Sự xuất hiện tỷ lệ chết trong nhóm MA135 và MA405 chậm hơn nhóm đối chứng lần lượt 18 và 30 giờ. Ngoài hiện tượng chết chậm hơn, mức độ chết duy trì ổn định khi đạt ngưỡng cao nhất lần lượt là 53,3% sau 108 giờ và 33,3% sau 78 giờ (Hình 2).
Thực tế, tỷ lệ tôm chết do WSSV tương đối cao. Đây cũng là một trong những thách thức lớn mà người nuôi tôm phải đối mặt. Nhưng nếu sử dụng oxit kẽm hoạt tính, những rủi ro này có thể giảm. Ở cả hai liều bổ sung thấp hơn (MA135), cũng như liều cao hơn (MA405), MAXACTIVAT/Zn đều tác động tích cực tới việc làm giảm tỷ lệ chết ở tôm. Rõ ràng, các khẩu phần chứa kẽm hoạt tính (aZnO) không chỉ giúp tôm sống lâu hơn mà còn duy trì tỷ lệ chết ở mức thấp.
Nhiều nghiên cứu trước đây đã khẳng định hiệu lực của oxit kẽm trong đường tiêu hóa của heo. Phụ gia này giúp cải thiện hàng rào chức năng của đường ruột, ngăn vi khuẩn bám vào biểu mô cũng như điều chỉnh các đáp ứng stress khác nhau của protein. Theo Zanczyk et al. (2013), ZnO cải thiện đáp ứng miễn dịch của heo. Oxit kẽm cũng mang lại hiệu quả tương tự đối với vật nuôi thủy sản. Cụ thể, theo Wang at al. (2018), WSSV có thể tác động tới thành phần hệ vi sinh đường ruột của tôm thẻ. Tuy nhiên, oxit kẽm đã điều chỉnh hệ thống thụ thể đường ruột, nên ức chế được khả năng bám dính của WSSV. Do đó, cải thiện tính toàn vẹn đường ruột và làm giảm tỷ lệ chết của tôm. Feng et al. (2017) đã đề cập đến những khía cạnh tiêu cực của vaccine nhưng ngược lại, bổ sung aZnO vào khẩu phần ăn của tôm đã tạo giá trị dinh dưỡng cũng như hướng tiếp cận khả thi.
Thử nghiệm trên cũng chỉ ra hiệu lực to lớn của các vi khoáng hoạt tính như MAXACTIVANT/Zn trong việc làm giảm tỷ lệ chết do WSSV gây ra. Đây được xem là hướng tiếp cận độc đáo vì giải quyết vấn đề dịch bệnh bằng phụ gia thức ăn, từ đó thúc đẩy ngành dinh dưỡng nghiên cứu sâu hơn để tìm ra hiệu lực kháng virus của MAXACTIVANT/Zn.
Tuấn Minh
Theo Allaboutfeed