(TSVN) – Ôxy đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho tôm nuôi, nếu không phân bố đủ lượng quạt nước để vận hành sẽ rất nguy hiểm cho tôm. Nhưng nếu không nắm được cách lắp đặt và vận hành có thể gây ra tốn kém chi phí điện cho người nuôi.
Cách bờ 3 – 5 m hay cách chân bờ 1,5 m sao cho tạo được dòng chảy có tác dụng gom tụ các chất thải, cặn bã vào giữa ao để dễ dàng xiphong, đưa ra ngoài. Nếu bọt nước tập trung ở giữa ao là lắp quạt đúng.
Khoảng cách giữa 2 cánh quạt 60 – 80 cm, lắp so le nhau. Tùy theo hình dạng ao mà bố trí hệ thống quạt nước phải đảm bảo nhu cầu ôxy cho tôm nuôi và gom chất thải vào giữa ao.
Số lượng cánh quạt nước và thời gian chạy quạt theo hình. Ngoài việc bố trí cánh quạt nước, có thể bổ sung thêm các loại thiết bị khác để cung cấp ôxy đáy.
Hiện nay có 3 loại máy quạt nước: loại 2 cánh, 4 cánh và dạng cánh tay dài. Cấu tạo của quạt nước bao gồm một trục được nối với trục mô tơ điện hoặc động cơ, trên trục có lắp 10 – 15 cánh quạt, cánh quạt có thể là cánh nhựa hoặc cánh lông nhím. Quạt cánh nhựa có giá rẻ được sử dụng nhiều trong các hộ nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh. Quạt nước chạy bằng mô tơ điện 3 pha thường cung cấp ôxy tốt hơn.
Trường hợp độ sâu mức nước ao lớn hơn 1,4 m và đang sử dụng quạt lá hay quạt cánh nhựa (khả năng đưa ôxy xuống sâu 1,2 m) thì nên kết hợp lắp đặt thêm quạt lông nhím để cung cấp đầy đủ lượng ôxy xuống sâu đáy ao. Tuy nhiên, quạt lông nhím chỉ phù hợp ao nuôi tôm đáy cát, đáy lót bạt. Người nuôi có thể lắp đặt xen kẽ cả 2 loại quạt này để vừa đảm bảo lượng ôxy và vừa đảm bảo dòng chảy trong ao.
Số lượng máy quạt nước sử dụng trong ao tùy thuộc vào mật độ, diện tích ao và khả năng đầu tư. Tùy vào điều kiện cụ thể về kinh tế và diện tích ao nuôi, cần lựa chọn số lượng quạt lắp đặt cho phù hợp. Khi tôm nuôi còn nhỏ, cần lượng ôxy ít, thì lắp ít cánh quạt; số cánh quạt lắp nhiều dần tương ứng với tuổi của tôm. Thường 1 cánh quạt sẽ cung cấp đủ ôxy cho 2.800 con tôm trong thời gian nuôi.
Đối với nuôi tôm sú:
Diện tích ao (m2) | Mật độ 15 – 20 con |
Mật độ 20 – 25 con |
Tốc độ vòng quay (vòng/phút) |
2.000 | 20 – 25 cánh | 25 – 30 cánh | 100 – 120 |
5.000 | 50 – 60 cánh | 60 – 80 cánh | 100 – 120 |
Đối với TTCT:
TTCT đòi hỏi ôxy rất lớn. Do đó, tùy theo mật độ thả nuôi có thể thiết kế hệ thống quạt nước bằng cánh quạt nhựa hoặc kết hợp cánh quạt nhựa và cánh quạt lông nhím hoặc các cánh quạt cung cấp ôxy khác để cung cấp ôxy cho ao nuôi. Vòng tua của cánh quạt nhựa nên >120 vòng/phút.
Diện tích ao (m2) | Mật độ (con/m2) | Số lượng dàn quạt cánh | Số lượng dàn quạt lông nhím |
2.000 – 3000 | 30 – 60 | 4 dàn (10 cánh quạt/dàn) |
1 |
60 – 100 | 4 dàn (10 cánh quạt/dàn) |
2 | |
4.000 – 5.000 | 30 – 60 | 6 dàn (10 cánh quạt/dàn) |
2 |
60 – 100 | 6 dàn (10 cánh quạt/dàn) |
3 – 4 |
Bố trí hệ thống quạt nước và thời gian chạy quạt nước phải đảm bảo nhu cầu ôxy cho tôm nuôi, đặc biệt thời điểm chiều tối, ban đêm, gần sáng khi hàm lượng ôxy hòa tan giảm dần xuống mức thấp nhất trong ngày. Cần tăng cường thời gian chạy quạt hoặc bố trí thêm hệ thống quạt cho tôm nuôi, đặc biệt vào những ngày thời điểm nắng nóng hoặc mưa kéo dài.
Để đạt hiệu quả tốt khi sử dụng quạt lá thì việc vận hành máy cần được chú ý. Lúc trời lặn và thời gian từ 3 – 6 giờ là bắt buộc, sau khi kiểm tra vó thức ăn tiến hành bật quạt nước để làm sạch khu vực cho tôm ăn. Vận tốc guồng quay phải đạt từ 80 – 85 vòng/phút.
Nên để quạt vận hành 24/24. Nếu tắt hết mô tơ quạt nước thì khi hoạt động trở lại động cơ sẽ làm tôm “giật mình”, va chạm vào nhau và có thể gây tổn thương do gai chủy đầu. Khi tôm còn bé hoặc thả với mật độ thưa hơn thì cũng nên dùng quạt nước với số lượng quạt, thời lượng và vận tốc nhỏ hơn.
Phương Đông
Tổng hợp