(TSVN) – Sự cố mới nhất trong chuỗi dài các trục trặc vận chuyển ảnh hưởng đến ngành thủy sản là tình trạng tắc nghẽn tại các cảng ở bang California của Mỹ. Điều này đã tạo ra những rắc rối trong chuỗi cung ứng cho các nhà nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc và các quốc gia cung cấp thủy sản lớn khác.
Theo The Wall Street Journal, một kỷ lục mới khi 73 tàu phải chờ đợi tại các cảng Los Angeles và Long Beach vào ngày 20/9 vừa qua với thời gian chờ trung bình để các con tàu đỗ được vào cảng Los Angeles kéo dài đến 8,5 ngày.
Ông Judah Levine, người đứng đầu nghiên cứu tại thị trường vận chuyển hàng hóa trực tuyến Freightos, cho biết thời gian trung bình để vận chuyển hàng hóa đường biển hoàn thành một chuyến đi một chiều đã tăng 43% trong năm 2020, từ 50 ngày lên 71,5 ngày. Do đó, chi phí vận chuyển đã tăng vọt, với giá vận chuyển một container 40 feet giữa Mỹ và châu Á tăng 500% so với cùng kỳ năm trước lên 20.586 USD (17.525 EUR).
Ông Douglas Kent, Phó chủ tịch điều hành chiến lược và liên minh tại Hiệp hội Quản lý chuỗi cung ứng cho biết: “Khi chúng tôi thấy sự gia tăng lớn về chi phí vận chuyển, rõ ràng là một bên nào đó sẽ phải trả. Thêm một lần gián đoạn nữa có thể khiến chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn hoàn toàn”.
Để đối phó với tình trạng thiếu hụt chi phí vận chuyển, nguyên liệu và bao bì tăng cao và chi phí tăng lên này càng trầm trọng hơn do tình trạng thiếu lao động, nhiều nhà cung cấp thủy sản đã buộc phải tăng giá cho các công ty dịch vụ thực phẩm và nhà bán lẻ.
Phó Chủ tịch Sales và Maketing của Trans-Ocean Products Lou Shaheen chia sẻ: “Các thành phần nguyên liệu thô, bao bì đều tăng giá và mất nhiều thời gian vận chuyển hơn”. Công ty Trans-Ocean, có trụ sở tại Bellingham, Washington, là nhà bán lẻ surimi lớn nhất làm từ cá minh thái Alaska. Giống như nhiều nhà cung cấp thủy sản khác, Trans-Ocean đã thực hiện các đợt tăng giá nhỏ đối với các nhà bán lẻ.
“Chúng tôi rất ít khi tăng giá hải sản surimi, nhưng khách hàng của chúng tôi giờ cũng đã quen với việc này. Họ đang phải trải qua điều này ở mọi ngành hàng. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để giải quyết vấn đề này và hy vọng giá hải sản surimi có thể giảm trở lại”, ông Shaheen cho hay.
Cá minh thái chỉ là một trong số rất nhiều loài có giá cả tăng cao. Nhiều loại cua cũng trở nên khan hiếm trong những tháng gần đây nên nhiều nhà hàng và nhà bán lẻ đã không sử dụng cua trong các món ăn của họ. Giá thịt càng cua cũng tăng vọt, và một trong những nhà nhập khẩu lớn nhất của Mỹ – Phillips Foods ở Baltimore, Maryland – đã đưa ra nhiều mức giá đối với thịt cua và các loại hải sản khác từ châu Á trong năm nay.
Theo ông Baxter, Phó chủ tịch CLB bán lẻ, cho biết giá cả tăng vọt là do chi phí vận chuyển container, vận chuyển hàng hóa và logistics, đã tăng gấp 10 lần trong năm nay.
Các chuỗi siêu thị cũng đang tăng giá bán các mặt hàng thủy sản cho người tiêu dùng. Giám đốc điều hành của Kroger có trụ sở tại Cincinnati, Ohio, sở hữu hơn 2.800 cửa hàng ở Mỹ, cho biết lạm phát trong nền kinh tế Mỹ đã buộc thương hiệu này phải tăng giá bán lẻ từ 2 – 3% trong nửa cuối năm 2021.