(TSVN) – Sau nhiều tháng có mức tăng trưởng tốt, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam quay đầu giảm sâu tại một số thị trường. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến công suất của các doanh nghiệp chế biến giảm.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 8 đạt gần 49,4 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ 2020. Xuất khẩu sang các thị trường chính như Mỹ, EU và CPTPP đều đồng loạt giảm.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) đánh giá, đây là kết quả trong dự tính sau khi nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các nhà máy đóng cửa hoặc giảm tối đa công suất để thực hiện “3 tại chỗ”. Không chỉ trong tháng 8, xuất khẩu cá ngừ trong tháng 9 này vẫn đang trên đà giảm khi nhiều nhà máy chế biến, xuất khẩu phải tạm ngừng hoạt động. Bức tranh sản xuất và xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong những tháng cuối năm sẽ chưa thể lạc quan.
Tại thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ trong tháng 8 giảm gần 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu cá ngừ đóng hộp của nước này đã ổn định sau khi tăng bất thường vào đỉnh dịch năm ngoái. Ngoài ra, do mặt hàng này được bán theo giá FOB, các nhà nhập khẩu chịu phí vận chuyển, nên họ ít nhập hơn do cước tăng cao.
Xuất khẩu sang EU cũng giảm 28% trong tháng qua. Trong số 3 thị trường nhập khẩu cá ngừ Việt Nam nhiều nhất trong khối EU, Tây Ban Nha là nước duy nhất tăng trưởng, còn lại Italy và Đức giảm. Lượng cá ngừ tồn kho cao và cước vận chuyển ngất ngưỡng cũng là lý do khiến nhu cầu thị trường này suy yếu.
CPTPP là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 3 của Việt Nam. Kim ngạch tháng qua giảm 4,3%, đạt gần 7 triệu USD. Trong số 4 thị trường nhập khẩu cá ngừ Việt Nam nhiều nhất trong khối này, hiện chỉ có Mexico tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao.
Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ tháng 8 quay đầu giảm, nhưng nhờ tăng trưởng tốt trong những tháng trước nên luỹ kế 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu cá ngừ vẫn tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 470 triệu USD.