(TSVN) – Thông tin tại Diễn đàn trực tuyến: “Kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản Cà Mau 2021” ngày 19/9 do Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Cà Mau tổ chức cho thấy, sự ảnh hưởng của đại dịch đến sản xuất, tiêu thụ nông, thủy sản trên thị trường trong nước và thế giới là rất lớn. Việc tháo bỏ những nút thắt mà người nuôi và doanh nghiệp đang phải đương đầu là vô cùng cấp bách.
Từ ngày 4/8, phần lớn cơ sở sơ chế, nhà máy chế biến thủy sản tại Cà Mau dừng hoạt động; các nhà máy còn hoạt động thì giảm công suất. Nhờ Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT hỗ trợ tiêu thụ được 20.035 tấn nông sản các loại, hiện tồn 1.183 tấn, sắp tới thủy sản thu hoạch 1.958 tấn nữa (1.837 tấn TTCT, 96 tấn cá kèo, 25 tấn sò huyết).
Giám đốc đối ngoại của Mega Market Trần Kim Nga cho biết, hệ thống siêu thị có 29 nhà cung cấp hải sản đã phải tạm ngưng hoạt động nên riêng thủy sản đông lạnh chỉ đạt 15 – 20% yêu cầu, khách hàng của Mega Market từ Bắc đến Nam đang cần thủy sản tươi sống như tôm, cua. Đại diện sàn thương mại điện tử Tiki Dương Hoàng Long cho biết: “Nhu cầu về thực phẩm tươi sống đang rất lớn. Chúng tôi đã xây dựng kho đông lạnh bên cạnh kho mát. Do đó, đặc sản Cà Mau lên tới TP Hồ Chí Minh sẽ được hỗ trợ tốt”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Cà Mau cần xây dựng các điểm cung ứng cho các nhà mua lớn về nông sản như Sài Gòn Co.op hay Big C. Từ bao bì đóng gói đến các yếu tố liên quan đều phải đáp ứng yêu cầu của siêu thị. Chúng ta cần có chuỗi nhà cung ứng, HTX liên quan để đưa hàng vào siêu thị. Điều này, căn cứ vào yêu cầu của người mua. Cần có chiến lược sản xuất, kinh doanh lâu dài vì bán trong nước khác với hàng đông lạnh xuất khẩu”.
Liên quan đến chuỗi cung ứng hàng hóa, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản, khuyến cáo: “Cà Mau cùng nhiều tỉnh, thành phố khác cần đẩy mạnh kiểm tra ATTP thông qua các tổ, nhóm sản xuất, để đảm bảo vệ sinh, an toàn ngay từ vùng nuôi. Cần giám sát chất lượng, sản lượng định kỳ, chia rõ số lượng xuất khẩu, số lượng dành cho thị trường nội địa, tránh hiện tượng được mùa mất giá, hoặc một số doanh nghiệp thu mua thủy sản từ những hộ nhỏ lẻ nhằm đón đầu khi giá tăng”.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam cho biết: “Với Cà Mau, các sản phẩm đặc sản của tỉnh được người tiêu dùng của cả nước biết đến nhưng vấn đề hiện nay là chi phí trung gian còn cao khi vận chuyển đến TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội. Do đó, chúng ta cần phải làm thể nào để đường đi của sản phẩm đến điểm bán thuận tiện hơn, giảm chi phí trung gian. Để làm được điều đó, địa phương cần thành lập những chuỗi liên kết để đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ thông suốt nhất. Khi đó, nhà bán lẻ sẽ mua trực tiếp từ người dân với các sản phẩm chất lượng, chi phí trung gian thấp”.
Theo nhận định, khi tình hình dịch được kiểm soát thì sẽ lưu thông tốt trở lại; do đó, trong giai đoạn hiện nay, các nhà chế biến cần tăng cường các sản phẩm đông lạnh, sấy khô, hấp phục vụ nhu cầu bán lẻ. Cần đầu tư thêm vào xây dựng tem nhãn của sản phẩm để thu hút được người mua, bên cạnh đó, nếu có giá bán lẻ tốt thì sản phẩm sẽ nhanh chóng tiếp cận và tạo thói quen cho người tiêu dùng. Trong thời gian tới, sau khi dịch được kiểm soát, các nhà sản xuất, chế biến và bán lẻ sẽ kết hợp với nhau nhằm tạo ra những chương trình khuyến mại để đẩy mạnh thương hiệu cho sản phẩm và tạo đầu ra bền vững cho các nhà sản xuất thông qua các hợp đồng.
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Cà Mau là vùng đất có nhiều đặc sản, trong đó nổi bật là tôm – lúa (lúa thơm, tôm sạch); hy vọng địa phương sẽ phát triển tôm – lúa thành sản phẩm hữu cơ. Do vậy, tỉnh cần đẩy mạnh quảng bá, đa dạng hóa thông tin để đưa sản phẩm tôm – lúa đến siêu thị ngày một nhiều hơn. Đồng thời, Cà Mau cần sớm gắn truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo hình thức điện tử; đây sẽ là cách giúp các kho lưu trữ, siêu thị yên tâm về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Ngoài tôm – lúa, tỉnh cũng cần chú trọng đến đặc sản tôm – rừng. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, cần kết hợp cả xuất khẩu lẫn quảng bá sản phẩm, giúp nhiều người tiêu dùng trong, ngoài nước tăng cường nhu cầu sử dụng các đặc sản Cà Mau.
>> Tình cảnh chung của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hiện nay là đều thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh, kịp trả các đơn hàng cho đối tác vào dịp cuối năm, khi Noel và năm mới là “thời điểm vàng” của xuất khẩu thủy sản đang đến rất gần. |
Bài: Hoàng Diệu; Ảnh: Quốc Tuấn