Thủy sản vào EU: Ngày càng khắt khe

Chưa có đánh giá về bài viết

EU là bạn hàng truyền thống của thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2012, “bức tranh” xuất khẩu của thủy sản nước ta sang thị trường này lại không mấy sáng sủa. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, thời gian tới, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này vẫn tiếp tục gặp khó…

Xu hướng thủy sản bền vững

EU là một trong ba thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới bên cạnh Nhật Bản và Mỹ. Hàng năm, EU chiếm từ 25 – 30% nhập khẩu thủy sản của toàn thế giới. Mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người ở EU cũng khá cao, đạt 17 kg/người/năm và tăng dần hàng năm khoảng 3%. Năm 2011, tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người của Đức đạt kỷ lục 15,7 kg và năm nay mức tiêu thụ nhiều hơn, mặc dù giá bán lẻ thủy sản tiếp tục tăng. Tiêu thụ thủy sản của Pháp cũng tăng mạnh, bình quân đầu người đạt 32,4 kg năm 2011 và hiện đứng thứ 5 tại châu Âu, còn Bồ Đào Nha đứng đầu với 61,6 kg…

Tiêu thụ thủy sản trung bình kg/người/năm của EU và Mỹ từ năm 1994 – 1998 (Nguồn: Fao.org)

Trong khi nhu cầu tiêu thụ hàng thủy sản đang ngày càng tăng, Ủy ban nghề cá EU đã ra tuyên bố cắt giảm 1/3 sản lượng khai thác hải sản từ năm 1997 – 2010 nhằm để bảo vệ nguồn lợi hải sản. Bên cạnh đó, sản lượng khai thác của EU luôn ở khoảng cách rất xa so với nhu cầu tiêu dùng của người dân do nguồn lợi thủy sản của khu vực này ngày càng cạn kiệt. Theo đó, để tăng sản lượng thủy sản, EU chỉ có thể trông đợi ở phát triển nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng trong thực tế, sản lượng nuôi trồng thủy sản của khối không mấy được cải thiện trong những năm vừa qua. Chính vì vậy, nhập khẩu thủy sản từ các nước trên thế giới là con đường duy nhất có thể đáp ứng nhu cầu của người dân cả về khối lượng và chủng loại. Tuy nhiên EU thật sự là một thị trường khó tính, chọn lọc cao với những yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện, người tiêu dùng EU đang có xu hướng tiến tới các sản phẩm có tính bền vững và thân thiện với môi trường. Do đó, sản phẩm thủy sản của Việt Nam muốn giữ vững vị thế trên thị trường EU nói riêng, quốc tế nói chung cần được định hướng theo mục tiêu phát triển, nâng cao chất lượng ngay từ khu vực sản xuất nguyên liệu, đó là quản lý khai thác kết hợp bảo vệ nguồn lợi, quản lý chất lượng môi trường nuôi thủy sản theo các tiêu chuẩn quốc tế, nhất là đối với hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là tôm và cá tra.

 

Gặp khó vì quy định IUU

Cuối tháng 11/2012, EU đưa ra cảnh báo đối với 8 quốc gia là Belize, Campuchia, Fiji, Guinea, Panama, Sri Lanka, Togo và Vanuatu vì chưa thực sự nỗ lực chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Trong đó Fiji, Vanuatu và Guinea là 3 nhà cung cấp cá ngừ nguyên liệu tươi/sống/đông lạnh lớn cho Việt Nam. Nếu tình hình không được cải thiện, EU sẽ tiến hành các biện pháp thương mại, thậm chí cấm xuất khẩu các sản phẩm hải sản sang EU, đồng thời kêu gọi các nước không nhập khẩu hải sản từ các nước khai thác IUU.

Theo quy định IUU, các lô hàng thủy sản khi xuất khẩu vào thị trường EU phải có thông tin về tàu khai thác, tên chủ tàu, phương tiện đánh bắt, vùng biển khai thác, loại sản phẩm và trọng lượng, giấy báo chuyển hàng trên biển… nhằm quản lý chặt chẽ đội tàu khai thác biển của các nước; bảo vệ đàn cá lớn, cá di cư từ biển này sang biển khác; bảo vệ môi trường biển.

Sản lượng khai thác ở khu vực EU luôn ở khoảng cách rất xa so với nhu cầu tiêu dùng

Trong khi nguồn cá ngừ nguyên liệu cho chế biến của Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào nhập khẩu. Việt Nam đang nhập khẩu cá ngừ tươi/sống/đông lạnh/khô từ hơn 30 nước. Ngoài 3 nước kể trên, còn một số nước khác đang bị coi là nằm trong “danh sách đen” như Singapore. Nếu EU thắt chặt kiểm soát việc khai thác IUU, ngành cá ngừ Việt Nam sẽ gặp khó khăn rất lớn.

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách quản lý liên quan hiện tại của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Hiệu lực quản lý của các cơ quan thẩm quyền địa phương và Trung ương còn nhiều yếu kém. Cơ sở hạ tầng nghề cá và phương tiện khai thác như cảng cá, tàu cá không đáp ứng đủ yêu cầu. Nhận thức của ngư dân về vấn đề khai thác IUU cũng còn nhiều hạn chế. Theo đó, Việt Nam cần phải tích cực hơn nữa trong việc thực hiện quy định IUU bởi nếu không, rất có thể sẽ gặp trở ngại khi xuất khẩu thủy hải sản sang thị trường EU, nhất là cá ngừ, một trong những mặt hàng vốn đang được xem là có sức tăng trưởng mạnh tại EU trong năm 2012.

>> Năm 2012, chính sách siết chặt tín dụng tại các nước châu Âu khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường này liên tục giảm mạnh. Theo VASEP, 11 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU chỉ đạt hơn 1 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, EU đã tụt xuống vị trí thứ 2 trong top các nhà nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam.

Thảo Nguyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!