(TSVN) – Theo ông Jose Camposano, người đứng đầu phòng NTTS quốc gia Ecuador, khối lượng tôm Tây Ban Nha nhập khẩu từ nước này trong 6 tháng đầu năm đã tăng khoảng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng lớn thứ ba của Ecuador.
Cụ thể, Ecuador đã xuất khẩu 25.405 tấn tôm, trị giá 116,2 triệu USD sang Tây Ban Nha trong giai đoạn này, tăng 6% về giá trị so cùng kỷ năm 2020.
Ông Camposano chia sẻ trong Triển lãm Conxemar 2021 diễn ra tại Virgo, Tây Ban Nha ngày 5 – 7/10 vừa qua, năm 2020, Tây Ban Nha đã trở thành nhà nhập khẩu lớn thứ ba của Ecuador, vượt 47.000 tấn, trị giá 245 triệu USD, chiếm 7% tổng lượng xuất khẩu đi các nước.
Còn tại EU, Tây Ban Nha đứng đầu với 37% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này, theo sau là Pháp (29%) và Italy (19%).
Ghi chú ảnh: Tôm Ecuador tại Triển lãm Conxemar 2021. Ảnh: Undercurrentnews
Ngoài ra, theo dữ liệu mới nhất CNA công bố, xuất khẩu tôm Ecuador sang quốc gia này từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay lên tới 39.229 tấn, trị giá 191,3 triệu USD, chiếm 32% tổng xuất khẩu sản phẩm này sang EU.
Ecuador kỳ vọng sẽ phát triển hơn nữa ở Tây Ban Nha và đạt được các thỏa thuận thương mại mới với các nước EU khác và Nga, nơi xuất khẩu tôm của Ecuador đạt hơn 14.000 tấn vào năm 2020, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước đó.
Ông Camposano cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để hỗ trợ hội nhập thương mại lớn hơn với các nước đối tác quan trọng, những thị trường tiềm năng lớn cho sự tăng trưởng của xuất khẩu phi dầu mỏ của chúng tôi”.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã tấn công toàn bộ chuỗi sản xuất ngành tôm, ảnh hưởng trực tiếp đến giá sản phẩm và chi phí vận chuyển toàn cầu ngày càng tăng mạnh. Tình trạng thiếu container và vật liệu đóng gói tiếp tục làm chậm xuất khẩu tôm và các sản phẩm thủy sản khác vào EU.
“Sự gia tăng chi phí sản xuất và xuất khẩu này tiếp tục khiến con tôm của chúng tôi kém cạnh tranh hơn. Ngành tôm, cũng như ngành đánh bắt thủy sản, cacao và chuối, đang họp lại để xem xét những tác động và đưa ra biện pháp giải quyết”, ông Camposano chia sẻ trên Twitter của mình.
Một giám đốc điều hành của công ty nhập khẩu Tây Ban Nha cũng lưu ý: “Tình hình đang rất phức tạp. Việc thiếu các container rỗng đang buộc các nhà xuất khẩu phải tìm kiếm các tuyến đường thay thế khác, điều này làm gia tăng các chi phí cho hoạt động logistics”.