(TSVN) – Theo dữ liệu mới nhất, doanh số bán lẻ mặt hàng thủy sản tươi sống và đông lạnh đạt gần 5,5 tỷ USD (4,8 tỷ EUR) trong 9 tháng đầu năm 2021, trong đó doanh thu tươi sống dẫn đầu về mức tăng trưởng.
Theo các công ty nghiên cứu thị trường IRI và 210 Analytics, doanh số bán thủy sản tươi sống tăng 3,9% về giá trị và 2,9% về khối lượng và doanh số bán thủy sản đông lạnh tăng 2% về giá trị, nhưng giảm 2,4% về khối lượng trong 3 quý đầu năm 2021.
Nhà sáng lập Công ty 210 Analytics Anne-Marie Roerink cho biết: “Khi so sánh với các con số trước đại dịch năm 2019, cả 3 mặt hàng (tươi, đông lạnh và bảo quản lâu) đều đang tăng trưởng tốt. Doanh số bán thủy sản đông lạnh tăng vọt hơn 40%, còn mặt hàng thủy sản tươi sống tăng 33,7% so năm 2019”.
Trong tháng 9/2021, doanh số bán hàng thủy sản đông lạnh cũng tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020 và 38,4% so năm 2019. “Trong số các sản phẩm cung cấp protein đông lạnh, thủy sản là mặt hàng chạy nhất, đạt doanh thu 533 triệu USD (462 triệu EUR) trong tháng 9/2021”, bà Roerink nói.
Trong khi doanh số mặt hàng tươi sống và đông lạnh đạt mức tăng đáng kể thì doanh số bán hàng hải sản bảo quản lâu (đóng hộp và đóng túi) giảm từ 14 – 16% xuống còn 1,9 tỷ USD (1,7 tỷ EUR) trong 3 quý đầu năm so với cùng kỳ năm 2020.
Doanh số mặt hàng bảo quản lâu trong tháng 9/2021 tương đương với cùng kỳ năm trước và tăng 8% so năm 2019. Doanh số cá hồi đóng hộp tăng 2,6% so với tháng 9/2020 và tăng 18,2% so cùng kỳ năm 2019. Doanh số cá ngừ đóng hộp giảm 1,7% so năm 2020 nhưng tăng 4% so năm 2019.
Theo bà Roerink, trong quý IV/2021, dự đoán khả năng doanh số bán lẻ các mặt hàng tươi sống, đông lạnh và bảo quản lâu sẽ bắt đầu có xu hướng tăng lên. “Nhu cầu trong quý IV/2020 đã tăng lên, tuy không đạt đỉnh như trong quý II nhưng điều đó có nghĩa là vẫn có khả năng tăng trưởng”, bà nói.
Theo một cuộc khảo sát mới của Hội đồng Thông tin Thực phẩm Quốc tế, doanh số mặt hàng thủy sản ở cả cửa hàng bán lẻ và dịch vụ ăn uống có tín hiệu tốt, 25% người Mỹ cho biết họ đang ăn nhiều thủy, hải sản hơn so với một năm trước. Ngoài ra, theo công ty nghiên cứu dịch vụ thực phẩm Technomic, 75% người tiêu dùng cho biết họ ăn thủy, hải sản tại nhà hoặc nhà hàng ít nhất một lần/tháng và 46% ăn thủy, hải sản ít nhất hàng tuần và chỉ có 12% người tiêu dùng nói rằng họ không bao giờ ăn thủy, hải sản. Còn theo báo cáo xu hướng tiêu dùng ăn chay và thủy sản của Technomic năm 2021, 36% người Mỹ đang ăn nhiều thủy sản hơn thay cho thịt.
Và có vẻ như những nỗ lực lâu năm của ngành công nghiệp thủy sản hướng tới người tiêu dùng Mỹ về chất lượng các sản phẩm đông lạnh cuối cùng cũng được đền đáp. Theo một cuộc khảo sát mới của Deloitte, thủy sản đông lạnh đang được đa số người tiêu dùng trẻ tuổi cho là tốt hoặc thậm chí còn tốt hơn tươi sống, điều này một phần bởi vì tính tiện lợi nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng như các sản phẩm khác.
Deloitte viết trong một thông cáo báo chí: “Việc lạm phát gần đây và nhận thức rằng thực phẩm đông lạnh có giá thấp hơn (chiếm 62% người tiêu dùng) đang thu hút nhiều người tiêu dùng hơn đến các lựa chọn đông lạnh thay thế”.
Tuy nhiên, 90% đáng kể người tiêu dùng cho biết ăn thực phẩm tươi vẫn ngon và yên tâm hơn, trong khi chỉ 40% nhận xét như thế về sản phẩm đông lạnh.