(TSVN) – Đầu tháng 10/2021, hàng trăm nghìn lao động ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã có cuộc hồi hương về các tỉnh khu vực ĐBSCL cũng như nhiều tỉnh, thành khác. Thống kê của một số địa phương, đến ngày 7/10, tỉnh Đồng Tháp đón tiếp 26.030 người, An Giang 41.832 người; TP Cần Thơ 10.600 người…
Trong dòng người về quê, tỉnh Đồng Tháp cho hay, có 16.178 công nhân (65%), 6.576 lao động tự do (26%). Về tiêm vaccine, có 11.609 người tiêm 1 mũi (46%), 4.285 người tiêm 2 mũi (17%), 7.187 người chưa tiêm (29%) và 2.020 F0 đã lành bệnh (8%). Xét nghiệm phát hiện 151 ca mắc COVD-19 (gần 0,6%). Lo ngại dịch bệnh nên các địa phương đưa tất cả vào cách ly tập trung 14 ngày. Bà con hồi hương kiến nghị, những người đã tiêm vaccine và F0 khỏi bệnh được cách ly tại nhà; tuy nhiên, phải đến ngày 6/10 khi có công văn của Bộ Y tế thì kiến nghị trên mới được thực hiện.
Sự việc cho thấy, lao động đi lại giữa các địa phương còn rất khó khăn. Cuối tháng 9, một số địa phương đã có kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh theo các giai đoạn nhưng chưa có nhiều kết quả trong thực tế. Bởi để phục hồi sản xuất, kinh doanh thì yếu tố tiên quyết là phải mở cửa cho lao động đi lại. Đặc biệt ngành thủy sản có chuỗi sản xuất, kinh doanh liên thông toàn vùng ĐBSCL lên TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ, ra cả nước ngoài. Lao động cần đi lại để nuôi trồng, thu hoạch, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ trong nước, xuất khẩu…
Đầu tháng 10, lao động thủy sản vẫn chưa được mở cửa để đi lại. Công ty CP Thủy sản Cafatex chủ yếu chế biến tôm xuất khẩu ở tỉnh Hậu Giang cho biết, công nhân đi lại trong tỉnh dù “vùng xanh” cũng rất khó nên phải tạm dừng hoạt động mấy tháng, nay muốn hoạt động trở lại chưa được. Nhà máy chế biến tôm xuất khẩu của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tại tỉnh Hậu Giang, nơi giáp ranh TP Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng, công nhân chủ yếu ở hai địa phương này và đi lại vẫn nhiều trắc trở.
Ở TP Cần Thơ, doanh nghiệp muốn hoạt động trở lại phải thực hiện 15 thủ tục hồ sơ, trong đó có 5 thủ tục liên quan việc đi lại của lao động. Cần Thơ vẫn cấm công dân ra ngoài thành phố, muốn đi phải được phép và do đó nhiều vị lãnh đạo tỉnh Hậu Giang có nhà ở Cần Thơ để đi làm ở Hậu Giang đã phải lập danh sách để lãnh đạo Cần Thơ phê duyệt chấp thuận.
Trở lại dòng người đông đảo về quê ĐBSCL, cơ bản do TP Hồ Chí Minh mở cửa từ ngày 1/10. Thế nhưng, việc đi lại giữa thành phố này và 4 tỉnh giáp ranh là Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh chưa phải đã thông suốt. Ngày 4/10, TP Hồ Chí Minh đề xuất hai phương án liên quan việc đi lại của lao động giữa các địa phương. Đến nay, tỉnh Bình Dương và Long An mới chấp thuận một phần.
Dù sao, các địa phương cũng thống nhất là phải nhanh chóng mở cửa với lao động để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Chính phủ đã chuyển chủ trương từ “không COVID-19” sang “thích ứng an toàn với COVID-19” và trên bình diện quốc tế, ngày 7/10 đã tuyên bố, thực thi Bộ tiêu chí công nhận và sử dụng “hộ chiếu” vaccine của các nước tại Việt Nam. “Hộ chiếu” vaccine, “thẻ xanh” sức khỏe hay Giấy chứng nhận sức khỏe số là giải pháp tạo thuận lợi cho lao động đi lại, nhằm từng bước mở cửa nền kinh tế với thế giới. Như thế, trong nước, giữa các địa phương càng phải mở cửa cho lao động đi lại để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Sáu Nghệ