Năm 2012 – Cứu cánh từ xuất khẩu cá ngừ

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ năm 2012 tăng mạnh, giá trị đạt 544,694 triệu USD (tính đến 15/12/2012), tăng 58,4% so cùng kỳ năm 2011, chiếm gần 8% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Năm qua, trước khó khăn về kinh tế, xu hướng thắt chặt chi tiêu của các nước trên thế giới, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam ước đạt 6,18 tỷ USD, tăng 1% so cùng kỳ 2011. Trong khi hai mặt hàng chủ lực là tôm giảm và cá tra giữ nguyên mức thì cá ngừ tạo được bứt phá.

Khai thác cá ngừ ở vùng biển Hoàng Sa – Ảnh: Xuân Trường

Cá ngừ của Việt Nam đã có mặt trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới. Theo Tổng cục Thủy sản, giá trị xuất khẩu cá ngừ Việt Nam năm 2012 có thể đạt hơn 758 triệu USD, tăng gấp đôi năm 2011.

Dẫn đầu thị trường nhập khẩu cá ngừ Việt Nam, giá trị nhập khẩu của Mỹ đạt hơn 237,9 triệu USD (tăng 51%). Nguyên nhân, từ đầu năm đến nay, các nước cung cấp cá ngừ chủ đạo cho Mỹ giảm nên doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt thời cơ này. Đứng thứ hai là EU, với 106,8 triệu USD (tăng 50,6%). Bên cạnh đó, Đức và Italy là hai nước thuộc khối EU đều tăng giá trị nhập khẩu mặt hàng này lần lượt là 74,5% và 78% so cùng kỳ năm 2011, nhất là Tây Ban Nha với mức tăng hơn 127%. Ngoài ra, các thị trường khác như: Hàn Quốc đạt mức tăng trưởng mạnh nhất, tới 1.299% so cùng kỳ năm 2011; tiếp đó là Mexico tăng 407,2%; Tunisia 200,1%; Israel 179%.

Theo đánh giá chung, điều kiện thời tiết thuận lợi đã giúp cho nguồn cá ngừ nguyên liệu của Việt Nam dồi dào hơn so với các năm trước, cộng với tình hình thị trường như hiện nay, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sẽ tiếp tục giữ được đà tăng trưởng trong năm 2013. Tuy nhiên, cách thức khai thác bằng đèn cao áp ở một số nơi hiện nay làm chất lượng cá sụt giảm, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm mà có nguy cơ cạn kiệt nguồn cá ngừ đại dương tại vùng biển Việt Nam. Trước mắt, cá ngừ Việt Nam cần xây dựng lộ trình khai thác đạt tiêu chuẩn theo chứng chỉ MSC (đảm bảo được khai thác từ một ngư trường bền vững, được quản lý tốt và được khai thác có trách nhiệm) gắn với việc hiện đại hóa đội tàu cho ngư dân… và xây dựng kế hoạch quản lý cá ngừ theo chuỗi, từ điều tra nguồn lợi đến khai thác, chế biến, xuất khẩu.

>> Theo Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, trữ lượng cá ngừ đại dương hàng năm ở ngoài khơi nước ta khoảng 50.000 tấn, chủ yếu tập trung ở miền Trung. Trong đó, khả năng khai thác bền vững khoảng 17.000 tấn.

Dương Kim Phượng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!