Nước ấm lên và thủy triều đỏ ảnh hưởng nghề đánh bắt cá vùng Đông Bắc Nhật Bản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cá nước lạnh, nguồn cung chính cho người đánh bắt và chế biến thủy sản ở vùng Đông Bắc Nhật Bản, đang ngày càng trở nên khan hiếm khi nhiệt độ nước biển trong khu vực tăng lên.

Bờ biển Thái Bình Dương của Hokkaido và bờ biển Sanriku – bao gồm các phần của quận Aomori, Iwate và Miyagi – đã bị ảnh hưởng nặng nề do nhiệt độ nước biển tăng lên, khiến các đàn cá nước lạnh ở xa bờ biển hơn.

Hạn ngạch cá thu đao Thái Bình Dương năm nay của Nhật Bản ở mức thấp kỷ lục chỉ khoảng 155.335 tấn, giảm 41,2% so với năm 2020. Hạn ngạch năm 2021 của quốc gia này được đặt ra phù hợp với việc giảm đánh bắt trên diện rộng thống nhất với Trung Quốc, Đài Loan, Nga, và các thành viên khác của Ủy ban Nghề cá Bắc Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ít có khả năng quốc gia này sẽ đạt gần đến hạn ngạch khi năm ngoái sản lượng đánh bắt chỉ đạt 29.562 tấn, năm thứ hai có sản lượng đổ bộ thấp kỷ lục.

Báo cáo “Tóm tắt nghề đánh bắt cá thu đao ở Thái Bình Dương” đã đưa ra một bức tranh về sự sụt giảm sản lượng đánh bắt gần đây. Năm 2010, Nhật Bản đã khai thác được 207.489 tấn cá thu đao Thái Bình Dương – một con số trung bình khá vào thời điểm đó. Hàn Quốc đạt 21.360 tấn, Nga đạt 31.686 tấn, và Đài Loan đạt 165.692 tấn, với tổng số 426.227 tấn.

Năm 2020, Trung Quốc và quốc đảo Vanuatu ở Thái Bình Dương đạt sản lượng lần lượt là 44.006 tấn và 2.700 tấn. Nhật Bản đánh bắt được 29.562 tấn, Hàn Quốc đạt 5.993 tấn và Nga chỉ đánh bắt được 753 tấn trong tổng số 83.014 tấn cá thu đao Thái Bình Dương .

Hạn ngạch mực bay Nhật Bản năm 2020 cũng thấp nhất từ ​​trước đến nay, ở mức 57.000 tấn. Nguyên nhân là do nhiệt độ nước ở biển Hoa Đông cao, không tạo điều kiện thuận lợi cho mực đẻ trứng. Các nhà khoa học cho biết vì mực có tuổi thọ một năm nên điều kiện nơi sinh sản của chúng là yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển.

Cá hồi chum cũng bị ảnh hưởng bởi điều kiện nước thay đổi do biến đổi khí hậu. Một đợt thủy triều đỏ ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của Hokkaido, xảy ra từ ngày 5 – 13/10, đã gây hại một số lượng lớn cá hồi chum và nhím biển.

Nhìn chung, quần thể cá hồi đã giảm ở Nhật Bản, với sản lượng khai thác giảm mạnh gần 70% trong thập kỷ qua, bất chấp việc đã khởi chạy một trong những chương trình sản xuất giống bổ sung lớn nhất thế giới.

Thống kê sơ bộ của Ủy ban Cá di cư Bắc Thái Bình Dương đối với các vụ đánh bắt cá hồi thương mại năm 2020 của Nhật Bản cho thấy sản lượng khai thác đạt 21,6 triệu con, bao gồm 17,5 triệu con cá hồi chum và 4,1 triệu con cá hồi hồng. Con số này giảm khoảng 50% so với một thập kỷ trước, khi tổng sản lượng cá hồi đánh bắt thương mại ở các khu vực ven biển và xa bờ của Nhật Bản cao hơn gấp đôi, ở mức 54,1 triệu con, gồm 45,2 triệu con cá hồi chum và 8,9 triệu con cá hồi hồng. 

Nguyên nhân có thể là do giảm lượng ôxy, sắt và các chất dinh dưỡng quan trọng khác ở Biển Okhotsk thông qua quá trình hình thành băng biển. Những nơi lạnh nhất của vùng biển này đã tăng ​​nhiệt độ nước biển lên hơn 3oC, cao hơn so với mức trung bình toàn cầu là khoảng 1,2oC.

Hải Phong

Theo Seafoodsource

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!