(TSVN) – Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã trở thành giải pháp cứu cánh cho bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động tại Việt Nam; là bước đầu tiên quan trọng để Việt Nam trở về trạng thái “bình thường mới”.
Với quyết tâm phòng, chống dịch của Chính phủ và các địa phương trong thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 hiện nay cơ bản đã được kiểm soát. Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP để thay thế cho việc áp dụng các Chỉ thị 15, 16, 19 trong giai đoạn hiện nay là hết sức kịp thời và cần thiết. TP Hồ Chí Minh đã mạnh dạn mở cửa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách an toàn bằng việc thực hiện Chỉ thị 18/CT-UBND về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ ngày 1/10. Doanh nghiệp có thể dừng sản xuất “3 tại chỗ” cho nhân viên được về nhà và thực hiện “1 cung đường, 2 địa điểm”. Việc này đã giải tỏa tâm lý cho người lao động, phục hồi tinh thần, tăng năng suất làm việc.
Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn chia sẻ, Nghị quyết 128 thật sự “cởi trói” về mặt tinh thần cho người dân và doanh nghiệp, góp phần phục hồi kinh tế. Doanh nghiệp kỳ vọng việc thực hiện Nghị quyết sẽ giúp giải quyết “hàng rào kỹ thuật” trong việc kiểm soát lưu thông giữa các tỉnh, thành phố mà thời gian qua chưa có sự thống nhất. Nghị quyết 128 đã thay đổi quan điểm và giải pháp phòng, chống dịch phù hợp với tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Mở cửa không có nghĩa là không tiếp tục phòng, chống dịch mà chuyển sang phòng, chống dịch với một tinh thần mới. Chống dịch nhưng không “khóa chặt”, “chôn chân” người dân một chỗ mà kiểm soát lưu thông một cách khoa học, tạo điều kiện cho người dân mưu sinh và doanh nghiệp trở lại hoạt động một cách an toàn.
Tham tán Thương mại Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam Troels Jakobsen cho biết, chính sách quốc gia rất quan trọng với doanh nghiệp. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp Đan Mạch đang chờ đợi các hướng dẫn cụ thể để thực hiện Nghị quyết. Các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Đan Mạch tại Việt Nam nói riêng sẽ không gặp trở ngại gì trong việc thực hiện Nghị quyết này, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng Nghị quyết tinh gọn từ cấp tỉnh đến xã.
Tại Thông báo số 277/TB-VPCP ngày 24/10/2021 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau và Phú Thọ về công tác phòng, chống dịch COVID-19; Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương nhanh chóng kiểm soát các ổ dịch mới phát sinh, kiên trì thực hiện các biện pháp đã được chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương; bám sát các quy định tại Nghị quyết 128, Quyết định 4800 và căn cứ điều kiện thực tiễn của địa phương để đánh giá cấp độ dịch ở phạm vi nhỏ nhất có thể, để áp dụng các biện pháp y tế, hành chính phù hợp với từng cấp độ dịch, từng địa bàn.
Ngày 24/10, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương trên cả nước để đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 128. Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá, đa số các địa phương đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện và đáp ứng theo yêu cầu Nghị quyết số 128 của Chính phủ. Cùng đó, lưu ý các địa phương tiếp tục nâng cao cảnh giác, cố gắng không để dịch bùng phát mạnh trên địa bàn, nếu phát hiện ca nhiểm thì triển khai ngay các biện pháp để khoanh vùng; rà soát lại lực lượng lao động về địa phương từ các tỉnh, thành vừa kết thúc thời gian giãn cách xã hội để triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng cấp độ dịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để tạo độ bao phủ vaccine trong nhân dân; chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất để thực hiện công tác điều trị các ca dương tính với SAR-CoV-2; cập nhật đầy đủ dữ liệu thông tin của người đã tiêm chủng lên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử.
>> Việc nguyên vật liệu đầu vào tăng giá cao trong thời gian qua là do chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị đứt gãy và hiện nay, nền nông nghiệp của chúng ta có tính tự chủ chưa cao, lệ thuộc rất nhiều vào khâu đầu vào của nước ngoài, bản thân nền nông nghiệp phải sử dụng đến 70 – 80% nguồn nguyên liệu mà chúng ta không tự chủ được, phải nhập khẩu toàn bộ, thậm chí là tới 70 – 80%. Có một câu hỏi của một vị Đại biểu Quốc hội cũng đã đau đáu nhiều năm qua là: Tại sao chúng ta tự hào là một đất nước nông nghiệp mà bắp cũng phải nhập, đậu nành cũng phải nhập để làm thức ăn chăn nuôi, thức ăn cho thủy sản? Mặt khác vì sao sản phẩm xuất thô của chúng ta lại cao hơn sản phẩm chế biến? Nếu như Đài Loan khoảng 80% nông nghiệp xuất khẩu qua chế biến tổng hợp, đóng lon, đóng chai, còn chúng ta ngược lại 80% xuất thô, 20% đóng gói chế biến. |
Hải Lý