(TSVN) – Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2011 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã hỗ trợ 56 đợt, với tổng số tiền hơn 2.432 tỷ đồng cho hàng nghìn lượt tàu cá khai thác vùng biển xa.
Chương trình hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Kết quả, từ năm 2011 đến nay, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quyết định hỗ trợ 56 đợt, với tổng số tiền hơn 2.432 tỷ đồng cho hàng nghìn lượt tàu cá của ngư dân trong tỉnh đủ điều kiện tham gia khai thác vùng biển xa. Phần lớn nguồn kinh phí trên dành cho việc hỗ trợ nhiên liệu cho 3.322 lượt tàu cá, còn lại là hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên, hỗ trợ máy thông tin liên lạc HF…
Sở NN&PTNT đánh giá, từ khi có chính sách hỗ trợ này, ngư dân trong tỉnh rất phấn khởi nên đã mạnh dạn đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá để tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đặc biệt, chính sách này đã tạo niềm tin cho ngư dân yên tâm bám biển dài ngày. Nhiều chủ tàu đã tăng số lượng chuyến biển sản xuất tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, DK1 và các ngư trường xa, góp phần gia tăng đáng kể sự hiện diện của tàu cá Việt Nam trên các vùng biển xa.
Ảnh minh họa
Nhiều ngư dân được tiếp sức vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục duy trì hoạt động khai thác thủy sản kết hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo; có ý thức hơn trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong khai thác thủy sản, chấp hành tốt việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, cho tàu cập cảng cá chỉ định để lên cá, góp phần chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).
Tuy nhiên, việc khai thác hải sản trên các vùng biển xa cũng đang đối mặt nhiều khó khăn như: Lực lượng lao động khai thác thủy sản ngày càng thiếu về số lượng và chất lượng; Chủ tàu phải thuê mướn lao động nông nghiệp từ nhiều địa phương khác nhau nên không ổn định về lao động, chủ tàu trả chi phí chuyến biển theo ngày rất cao. Bên cạnh đó, sơ đồ ranh giới vùng biển trên hệ thống giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản có nhiều chỗ gấp khúc nên nhiều tàu cá khi di chuyển để đến ngư trường khai thác hoặc về bờ đã đi ngang qua vùng biển ngoài sơ đồ, những trường hợp này đều không được xem xét hỗ trợ.
Vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá các sản phẩm thủy sản thấp nên hiệu quả khai thác của tàu cá không cao, lao động khai thác thủy sản có xu hướng chuyển sang các ngành nghề công nghiệp – xây dựng.