(TSVN) – Nguồn bột cá, dầu cá chế biến từ cá biển nguyên con khai thác ngoài khơi đang dần khan hiếm và đắt đỏ. Tuy nhiên, các nguyên liệu tiềm năng để chế biến bột cá, dầu cá như phụ phế phẩm ngành chế biến và khai thác thủy sản vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Trước đây gần như toàn bộ nguồn cung bột cá, dầu cá trên thế giới được sản xuất từ các loại cá tạp. Mặc dù đây đều là các loại cá có bậc dinh dưỡng thấp và trữ lượng tương đối dồi dào nhưng vẫn gây ra tác động trực tiếp đến nguồn cung thực phẩm cho con người. Mặc dù các hoạt động khai thác đã được siết chặt bằng hạn ngạch và hệ thống chứng nhận của bên thứ ba, nguồn lợi cá nổi tự nhiên ngoài khơi nói trên vẫn đang có nguy cơ dần cạn kiệt trên toàn cầu.
Khi nguồn cung cá nổi có hạn, phụ phẩm được tăng cường sử dụng làm nguồn nguyên liệu thô phục vụ sản xuất bột cá và dầu cá. Hơn 12 năm qua, khối lượng bột cá, dầu cá làm từ phụ phế phẩm đã tăng từ 1,2 triệu tấn (khoảng 19% tổng sản lượng bột cá) lên hơn 1,4 triệu tấn (khoảng 29% tổng sản lượng bột cá). Năm 2020, ước tính bột cá và dầu cá làm từ các phụ phế phẩm chiếm tỷ lệ lần lượt 19% và 48%. Tính chung, khoảng 1/3 tổng sản lượng bột cá và dầu cá trên thị trường thế giới hiện nay có nguồn gốc từ các phụ phế phẩm.
Hơn 69% sản lượng bột cá phụ phế phẩm được sản xuất từ các phụ phẩm cá tự nhiên và chỉ hơn 30% từ phụ phẩm cá nuôi. Ở dầu cá, các tỷ lệ này lần lượt là 40% và 60%. Ước tính trên toàn cầu vẫn còn khoảng 11,7 triệu tấn phụ phế phẩm trong các nhà máy chế biến vẫn chưa được tận dụng để chế biến bột và và dầu cá. Hiện nay, một lượng lớn bột cá làm từ phụ phế phẩm vẫn có nguồn gốc từ sinh khối cá tự nhiên được dùng làm thực phẩm cho con người (DHC). Tuy nhiên, bột cá, dầu cá từ phế phẩm ngành chế biến thủy sản nuôi cũng đang tăng nhanh.
Hiện 3 ngành chế biến thủy sản có nguồn cung phụ phế phẩm lớn nhất để chế biến bột cá gồm cá hồi, cá tra và cá rô phi. Về dầu cá, nguồn cung phụ phẩm dồi dào nhất vẫn từ ngành chế biến cá hồi và cá tra, chiếm tỷ lệ 45% phụ phẩm từ ngành chế biến thủy sản nuôi.
Nhiều ý kiến cho rằng bột cá và dầu cá làm từ phụ phế phẩm thường kém chất lượng. Tuy nhiên, điều này có thể đúng trong quá khứ, còn hiện nay đã có rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh dầu cá hay bột cá làm từ phụ phế phẩm cũng đạt chất lượng tốt. Nghiên cứu gần đây của IFFO đã so sánh chất lượng của nhiều bột cá phụ phế phẩm với nhiều bột cá nguyên chất khác và thành phần ngũ cốc đã chỉ ra rằng cả hai chỉ số tiêu hóa và kích thích tính thèm ăn của bột cá phụ phế phẩm đều đạt mức tốt tương đương các nguồn khác.
Tuy nhiên, tương lai của ngành bột cá, dầu cá phụ phẩm vẫn có những dấu hiệu tích cực. Quản lý khai thác thủy sản toàn cầu đang được cải thiện, cùng đó việc siết chặt quản lý khai thác bằng hạn ngạch từ đầu những năm 2000 đã giúp ngành khai thác thủy sản ổn định trên toàn thế giới. Ngoài ra, những hệ thống chứng nhận bên thứ ba, như MarinTrust và MSC ngày càng phổ biến, cộng áp lực thị trường đã góp phần thúc đẩy việc sử dụng có trách nhiệm trên toàn ngành bột cá, dầu cá. Tuy nhiên, tổng khai thác cá tạp ngoài khơi vẫn sẽ vượt 16 triệu tấn trong tương lai. Điều này có nghĩa sản lượng bột cá và dầu cá từ nguồn cá tạp nói trên sẽ bị hạn chế ở mức khoảng 4 triệu tấn/năm.
Theo ước tính của FAO, tới năm 2050 tổng sản lượng thủy sản khai thác đạt 80 triệu tấn, trong đó 64 triệu tấn được dùng làm thực phẩm (DHC) với tỷ lệ phụ phế phẩm 33% (20 triệu tấn), từ đó góp phần sản xuất thêm 5 triệu tấn bột cá và dầu cá. Nhưng năm qua, ngành NTTS cũng phát triển rầm rộ, làm tăng thêm nguồn cung phụ phẩm cho ngành bột cá, dầu cá. FAO ước tính sản xuất NTTS trong năm 2050 có thể đạt sản lượng 140 triệu tấn với 15% phụ phẩm phục vụ chế biến dầu cá, bột cá.
Brett D.Gencross
Giám đốc kỹ thuật, IFFO