T2, 06/07/2020 10:16

Đà Nẵng: Lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh cho tàu cá của “sói biển”

Chưa có đánh giá về bài viết

Sáng 22/1, tàu cá ĐNa 90351 của “sói biển” Lê Văn Chiến, vị thuyền trưởng lừng danh của ngư dân Đà Nẵng, đã trở thành tàu đánh cá đầu tiên ở TP này và hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi được lắp thiết bị kết nối vệ tinh VMS thuộc dự án Movimar của Bộ NN&PTNT

 

Tàu cá ĐNa 90351 vừa được lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh VMS sáng 22/1 – Ảnh: HC

Thuyền trưởng Lê Văn Chiến cho biết, tàu ĐNa 90351 có công suất 500CV hành nghề lưới vây với 12 thuyền viên cùng 5 tàu cá trong tổ đoàn kết khai thác trên biển số 10 của phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) chủ yếu hoạt động trên ngư trường bao quanh quần đảo Hoàng Sa ở cả bốn hướng Đông, Bắc, Tây, Nam. Thậm chí từ tháng Giêng đến tháng Tư, tàu của ông còn đi xa hơn nữa về phía Đông Hoàng Sa. Đây là ngư trường khai thác rất hiệu quả của ngư dân miền Trung song cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, rủi ro do thiên tai, địch hoạ.

“Việc nhà nước lắp đặt máy VMS sẽ giúp chúng tôi sớm nắm bắt thông tin về các diễn biến thời tiết trên biển, đặt biệt là về bão và áp thấp nhiệt đới để kịp thời tránh trú. Đồng thời khi mình bị sự cố khẩn cấp, chỉ trong 15 giây, thiết bị này sẽ phát tín hiệu toàn cầu. Lập tức các tổng đài cũng như các tàu bạn, tàu hàng đang hoạt động trên biển sẽ biết mình bị nạn ở vị trí nào để kịp thời ứng cứu. Nhờ vậy ngư dân sẽ càng tự tin, mạnh dạn vươn khơi bám biển và tìm kiếm các vùng khai thác đạt hiệu quả!” – ông Lê Văn Chiến vui mừng nói.

 

“Sói biển” Lê Văn Chiến bày tỏ sự vui mừng khi được trang thị thiết bị VMS

Ông cũng cho hay, cùng với việc được lắp đặt thiết bị VMS thì ông và các tàu bạn trong tổ khai thác trên biển cũng có trách nhiệm hàng ngày thông tin ngược lại cho tổng đài biết về thời gian hoạt động trên biển, ngư trường đang đánh bắt, hướng dự kiến di chuyển, sản lượng đánh bắt của từng mẻ lưới, từng loại cá và của cả chuyến biển…

Ông Đoàn Ngọc Hiên, Phó Giám đốc Đài Thông tin duyên hải miền Trung cho hay, dự án “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thuỷ sản bằng công nghệ vệ tinh” (MOVIMAR) được Chính phủ Việt Nam vay vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Pháp và giao cho Bộ NN-PTNT chủ quản.

 

Lắp đặt máy thu phát tín hiệu vệ tinh LEO trên boong tàu ĐNa 90351

Trong đó, thiết bị kết nối vệ tinh VMS có những tính năng tối ưu như các thành phần liên kết với nhau, gồm: máy thu phát tín hiệu vệ tinh (LEO) được lắp đặt bên ngoài boong tàu, hoạt động hoàn toàn tự động, không cần sự can thiệp của thuyền viên và có thể chống va đập cao, thích ứng tốt với điều kiện môi trường biển và nhiệt độ cao. Hộp đầu dây được lắp đặt trong cabin, nối LEO tới nguồn điện trên tàu và màn hình cảm ứng MARLIN 100, được thiết kế để có thể nhận và gửi thông báo.

Thiết bị này có các chức năng như: nhận các bản tin khí tượng thông thường và cảnh báo bão trong khu vực hành trình của tàu; hiển thị thông tin về tốc độ và hướng đi của tàu; hiển thị và chứa những bản tin thời tiết hàng ngày như áp suất khí quyển, gió – hướng gió và sức gió, chiều cao của sóng quanh khu vực hoạt động của tàu.

 

Lắp đặt hộp đầu dây…

“Hiện nay tại các vùng biển của Việt Nam có gần 130.000 tàu cá vỏ gỗ, trong đó có hơn 20.000 tàu có công suất máy trên 90CV. Trong khi đó, những năm gần đây rủi ro, thiệt hại trên biển đối với tàu đánh bắt rất nhiều. Vì lẽ đó, MOVIMAR ra đời sẽ giúp những tàu cá được hưởng lợi trực tiếp từ dự án cũng như các tàu cá khác trong tổ, đội khai thác thuỷ sản và những tàu cá đáng đánh bắt gần đó tránh được nhiều rủi ro, thiệt hại” – ông Đoàn Ngọc Hiên cho hay.

Ông khẳng định, với những tính năng tối ưu của thiết bị VMS, dự án MOVIMAR sẽ mang đến sự an toàn, và hiệu quả khai thác cao cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân trên biển, đồng thời giúp các cơ quan chức năng quản lý nghề cá và cơ quan phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn có những biện pháp xử lý nhanh, chính xác đối với các tai nạn, sự cố kỹ thuật mà các tàu cá đang hoạt động trên các vùng biển gặp phải, xác định được vùng biển đang xảy ra mối nguy hiểm, nơi có bão để cung cấp nhanh, chính xác các bản tin cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới hoặc các hiện tượng thời tiết bất thường khác cho các tàu cá kịp thời tránh trú, giảm nhẹ thiệt hại.

 

và màn hình MARLIN 100 bên trong cabin

Theo Quyết định số 453/QĐ-BNN-TCTS (ngày 14/3/2011) của Bộ NN-PTNT, các tàu cá được hưởng lợi từ dự án MOVIMAR gồm tàu cá có công suất máy chính từ 90CV trở lên; tàu khai thác hải sản hoạt động trên vùng biển Việt Nam phải được tổ chức thành tổ đội, mỗi tổ đội có một tàu được trang bị VMS; tàu cá đã được cấp giấy phép khai thác thuỷ sản thuộc các nghề câu cá ngừ đại dương, câu mực đại dương, lưới vậy, lưới kéo, lưới rê và một số nghề đặc thù khác…

Ngoài ra dự án còn có tiêu chí ưu tiên cho các tàu cá là tổ trưởng, đội trưởng của các tổ đội khai thác, làm dịch vụ khai thác hải sản trên biển; tàu cá là đội trưởng đội tàu cứu hộ, cứu nạn trên biển; tàu kiểm ngư thuộc quyền quản lý của các cơ quan quản lý nghề cá các cấp.

 

Cán bộ kỹ thuật của Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng hướng dẫn thuyền trưởng Lê Văn Chiến sử dụng thiết bị vừa được lắp đặt

Sẽ có 3.000 tàu cá thuộc 28 địa phương ven biển từ Bắc đến Nam được hưởng lợi từ dự án này. Riêng tại Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi có 407 tàu cá được hưởng lợi (Đà Nẵng 51 tàu, Quảng Nam 50 tàu và Quảng Ngãi 306 tàu). “Thiết bị này được lắp đặt hoàn toàn miễn phí cho các tàu cá đạt các yêu cầu nêu trên. Chúng tôi cố gắng trong tháng 1 này sẽ hoàn tất việc lắp đặt 51 thiết bị VMS cho các tàu cá ở Đà Nẵng để tiếp tục triển khai qua các địa phương khác” – ông Đoàn Ngọc Hiên cho hay.

Hải Châu

Infonet

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!