T6, 10/12/2021 04:40

23 lô hàng cá tra bị cảnh báo trong 11 tháng đầu năm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong 11 tháng năm 2021, số lô hàng cá tra bị phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm khi thẩm tra, kiểm tra trước xuất khẩu là 23 lô. Tuy nhiên, với các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh vi phạm chủ yếu năm 2020 như Fipronil, Chlorate,… thì năm nay không còn bị cảnh báo.

Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2021, Cục đã thực hiện lấy 868 mẫu cá tra tại 34 vùng nuôi để phân tích dư lượng hóa chất, kháng sinh. Kết quả phát hiện 13 mẫu cá tra vi phạm các chỉ tiêu vi phạm bao gồm: Enrofloxacin, Ofloxacin, Ivermectin, Ciprofloxacin, Leuco Malachite Green. Các trường hợp phát hiện vi phạm đều được điều tra, xử lý theo đúng quy định tại Thông tư 31/2015/TT-BNNPTNT.

Tính trong 11 tháng đầu năm 2021, số lô hàng cá tra bị phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm khi thẩm tra, kiểm tra trước xuất khẩu là 23 lô. Trong đó, không có lô hàng bị cảnh báo chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh bởi các thị trường nhập khẩu có yêu cầu kiểm tra, chứng nhận bởi Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản trước khi xuất khẩu. Các chỉ tiêu vi phạm chủ yếu là vi sinh vật như TPC, Coliforms, E.Coli. 

Số lô hàng bị cảnh báo tại các thị trường tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020, các chỉ tiêu hóa chất. Năm nay, không còn cảnh báo kháng sinh vi phạm chủ yếu năm 2020 là Fipronil, Chlorate,…

Lô hàng cá tra bị thị trường nhập khẩu cảnh báo gồm có: Trung Quốc có 1 lô, Nga có 9 lô, Brazil có 12 lô, EU có 1 lô. Trong đó, có 13 lô cảnh báo về chỉ tiêu vi sinh (chiếm 56,5%), 8 lô cảnh báo về tỷ lệ mạ băng (chiếm 34,8%), 2 lô cảnh báo về phụ gia (chiếm 8,7%).

Năm nay, các thị trường nhập khẩu chính của cá tra của Việt Nam gồm: Trung Quốc, Mỹ, EU, Mexico, Brazil, ASEAN. Hiện, có 258 cơ sở chế biến cá tra được công nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và trong Danh sách xuất khẩu sang các quốc gia, vùng lãnh thổ có yêu cầu lập danh sách và lô hàng được cấp Giấy chứng nhận thực phẩm thủy sản xuất khẩu bởi Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản.

Trong năm 2022 tới, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản sẽ tiếp tục triển khai Chương trình giám sát dư lượng quốc gia đối với động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi. Theo dõi, cập nhật tình hình các lô hàng bị cảnh báo hóa chất kháng sinh để kịp thời cảnh báo doanh nghiệp và áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp. Cập nhật, phổ biến về quy định/yêu cầu của cơ quan thẩm quyền các thị trường cho doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu khi có thay đổi. Chủ động phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ để kịp thời xử lý, tháo gỡ các vướng mắc của thị trường nhập khẩu, trước mắt tập trung tháo gỡ trong xuất khẩu thủy sản nuôi, cá tra nói riêng vào Mỹ, Brazil…

Đồng thời đề nghị các địa phương thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất các giải pháp, kịp thời thông tin, tuyên truyền để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp. Đối với các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, chế biến cá tra xuất khẩu cần thúc đẩy phát triển vùng nuôi, tăng sản lượng giúp giảm giá thành nguyên liệu. Tăng cường đầu tư công nghệ chế biến, gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, nắm bắt rõ các thủ tục, cập nhật quy định của các thị trường để giảm thiểu rủi ro trong quá trình xuất khẩu.

Cát Tường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!