(TSVN) – Bão RAI với sức gió giật trên cấp 17 đang di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20 – 25 km, cường độ của bão sẽ suy yếu dần và đi vào Biển Đông. Để chủ động phòng tránh những tác động tiêu cực do bão lũ gây ra, nhiều địa phương đã tích cực, chủ động ứng phó với cơn bão trước khi ảnh hưởng trực tiếp đến Biển Đông.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, khoảng chiều cho đến tối 17/12, cơn siêu bão này sẽ suy yếu và đi vào Biển Đông. Khi đi vào Biển Đông cường độ của cơn bão này sẽ giảm 2 cấp so với hiện tại, tức là khoảng cấp 14. Dù giảm cấp nhưng hướng di chuyển và hoàn lưu bão vẫn còn khó nắm bắt, nhiều địa phương đã nhanh chóng chỉ đạo các biện pháp ứng phó.
Tại Quảng Trị
Ngày 17/12, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị đã ban hành Công điện triển khai các biện pháp ứng phó với bão RAI. Cụ thể, ngành chức năng phối hợp với các địa phương ven biển kiểm tra, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn; rà soát kỹ, kiên quyết không để tàu thuyền neo đậu tại vùng không an toàn; hướng dẫn việc neo đậu, chằng neo và có phương án đảm bảo an toàn về người, phương tiện tại nơi tránh trú; tổ chức neo đậu, chủ động đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại. Bên cạnh đó tạo điều kiện cho tàu cá và ngư dân các địa phương khác vào tránh trú.
Ngành chức năng yêu cầu, các địa phương duy trì thông tin liên lạc với chủ phương tiện, tàu thuyền để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Tỉnh không cho tàu thuyền ra khơi từ 19 giờ ngày 17/12. Trên đảo Cồn Cỏ cần đảm bảo an toàn lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, không để người ở lại chòi canh, lồng bè khi có gió bão mạnh từ cấp 8 trở lên.
Tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 2.300 tàu thuyền. Tất cả chủ tàu thuyền đều đã nhận được thông tin về di hướng di chuyển của bão RAI để di chuyển đến nơi an toàn.
Tại Đà Nẵng
Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và phòng thủ dân sự TP cũng có công điện, yêu cầu, Bộ chỉ huy Bộ đội biên TP và Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng thông báo cho các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển tìm nơi tránh trú an toàn, khẩn trương vào bờ. Theo đó, Đà Nẵng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; sắp xếp tàu thuyền tránh trú bão neo đậu an toàn tại khu trú tránh bão âu thuyền Thọ Quang và các điểm neo đậu đã được quy hoạch.
Tại Quảng Nam
Ngày 17/12, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương, sở, ban, ngành và đơn vị liên quan chủ động theo dõi, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp ứng phó với bão RAI theo phương châm “4 tại chỗ”.
Theo đó, từ 12h ngày 17/12, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố ven biển nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi. Đồng thời, các đơn vị thông báo cho tàu thuyền còn hoạt động trên biển chủ động di chuyển vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn. Tàu thuyền và người lao động cần giữ thông tin liên lạc thường xuyên với thuyền trưởng, chủ các phương tiện để xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra.
Theo báo cáo nhanh, đến sáng nay còn 27 tàu hoạt động trên biển với 223 ngư dân, những tàu này đã được thông báo về đường đi của bão RAI.
Tại Khánh Hòa
Trước diễn biến của cơn bão RAI, có nguy cơ ảnh hưởng vào nước ta, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa đơn vị đã triển khai các biện pháp chuẩn bị ứng phó với bão, trong đó có thống kê, kiểm đếm số người, tàu cá đang đánh bắt trên các vùng biển đặc biệt nguy hiểm, trực đài canh 24/24 giờ, thông tin về bão để các tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển Trường Sa để chủ các tàu thuyền biết và chủ động tránh trú an toàn.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, tính đến 5 giờ 30 sáng 17/12, có 881 tàu với 3.123 ngư dân đang hoạt động trên biển đã tiếp nhận thông tin bão RAI và đã có kế hoạch chủ động phòng chống và tránh trú bão RAI trên biển.
Tại Bình Thuận
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, tính đến chiều ngày 16/12, toàn tỉnh có 201 tàu hoạt động xa bờ với hơn 1.503 lao động, 1.059 tàu hoạt động gần bờ với hơn 6.660 lao động, 50 phương tiện thủy nội địa neo đậu tại các bến và hơn 100 lồng bè nuôi trồng thủy sản. Ngành chức năng tỉnh đã thông tin về cơn bão này đến các chủ phương tiện, ngư dân.
Ngành chức năng sẽ thường xuyên theo dõi, kiểm đếm và quản lý chặt chẽ việc ra khơi hoạt động của các tàu, thuyền, phương tiện vận tải. Ngành chức năng và các địa phương phối hợp hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền tại các khu neo đậu, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn về người, tài sản.
Tại Bến Tre
Tính đến tối 16/12, toàn tỉnh Bến Tre có hơn 2.400 tàu với trên 17.900 ngư dân đang hoạt động trên biển; trong đó có hơn 2.000 phương tiện đang hoạt động vùng biển Đông Nam bộ. Có hơn 1.300 tàu cá đã vào bờ hoặc vào nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, có 149 tàu hoạt động trên biển mất tín hiệu, chưa thể liên lạc; hơn 1.500 phương tiện giữ liên lạc được với đất liền.
Hiện nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Chi cục Thủy sản tỉnh Bến Tre tiếp tục tìm cách liên lạc với các tàu đã mất tín hiệu; tăng cường công tác thông tin về bão RAI cho các chủ phương tiện và thuyền trưởng các tàu thuyền để tránh bão an toàn.
Tại Tiền Giang
Theo thống kê của các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang, đến chiều 16/12, toàn tỉnh có 486 tàu cá đang hoạt động trên biển với hơn 3.500 ngư dân; có 371 tàu hoạt động xa bờ, gồm 276 tàu hoạt động từ Bình Thuận – Cà Mau; Cà Mau – Kiên Giang. Trong đó, có 95 tàu hoạt động vùng Nam biển Đông hiện nay chưa nguy hiểm nhưng đã được ngành chức năng thông báo kêu gọi chạy về khu vực khác tránh bão. Hiện tại, 100% chủ phương tiện và thuyền trưởng ở các tàu cá đều giữ liên lạc với cơ quan chức năng và biết hướng đi của bão.