Vụ Mỹ kiện tôm Việt Nam được trợ giá: Kiên quyết đấu tranh đến cùng

Chưa có đánh giá về bài viết

Cuối tháng 12/2012, các nhà sản xuất tôm của Mỹ nộp đơn yêu cầu Bộ Thương mại nước này áp đặt thuế trừng phạt đối với tôm nhập khẩu từ 7 nước, trong đó có Việt Nam, do nghi ngờ mặt hàng này nhận được các khoản trợ cấp, trợ giá từ chính phủ về vốn, tiền thuê đất nuôi tôm, thuế… Đây là một sự áp đặt vô lý với ngành tôm nước ta.

Thiếu căn cứ

Phản ứng trước thông tin của Bộ Thương mại nước này cho rằng tôm Việt Nam được nhận khoản trợ cấp về giá khiến tôm xuất khẩu sang Mỹ rẻ hơn tôm nội địa của họ, đại diện Hiệp hội Thủy sản Quốc gia Mỹ cho rằng, những lập luận này không chính xác. Ngành sản xuất tôm của Mỹ cung cấp mặt hàng tôm rất có giá trị, rất khác biệt và chiếm một thị phần quan trọng. Nhưng tôm Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong thị trường này. Liên minh công nghiệp tôm vùng Vịnh (COGSI) không muốn cạnh tranh với tôm Việt Nam nên đã lợi dụng cơ chế pháp lý để làm tăng giá thành tôm Việt Nam, khiến tôm Việt Nam bị giảm sức cạnh tranh.

Phản ứng trước thông tin trên, ngày 19/1/2013, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã ra Thông cáo báo chí phản đối việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) chấp nhận đơn kiện của COGSI và tiến hành điều tra vụ kiện với những cáo buộc không hợp lý, thiếu cơ sở.

Thực tế hiện nay, COGSI chỉ đại diện cho ngành khai thác tôm Mỹ, hiện mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ tôm của nước này, 90% nhu cầu tôm của người Mỹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Việc COGSI đại diện cho 10% nguồn cung cấp tôm tại Mỹ khởi xướng vụ kiện chống lại tôm nhập khẩu là vô lý.

Ông Trần Văn Lĩnh – Phó Chủ tịch VASEP cũng khẳng định: Hiện nay, các doanh nghiệp tôm của Mỹ lo ngại khâu nuôi trồng thủy sản của các nước Đông Nam Á ngày càng đạt trình độ kỹ thuật cao, chi phí thấp, giá thành thấp nên phía Mỹ tung chiêu kiện thuế chống trợ giá đối với các nhà xuất khẩu (trong đó có Việt Nam). Trong khi tôm của các doanh nghiệp Mỹ chủ yếu khai thác từ đánh bắt nên chi phí nhiều, giá bán cao nên giá thành tôm của họ cao hơn giá tôm Việt Nam xuất khẩu vào.

Chế biến tôm tại Công ty Cafatex – Ảnh: Duy Khương

 

Khó chồng khó

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết: Hiện nay Mỹ tiếp tục là thị trường quan trọng của ngành tôm Việt Nam. Trong suốt thời gian dài, cùng với EU, thì Mỹ luôn là bạn hàng của Việt Nam, giúp đầu ra của thủy sản và các mặt hàng nông sản… Khi những khó khăn của ngành chưa được giải quyết như dịch bệnh, rào cản Ethoxyquin tại Nhật Bản và Hàn Quốc thì khó khăn từ thông tin này nếu xảy ra sẽ làm xuất khẩu tôm Việt Nam rơi vào “ngõ hẻm”. Dự báo sản lượng tôm xuất khẩu 2013 ở tình huống xấu nhất có thể chỉ đạt dưới 200.000 tấn, trị giá khoảng 1,9 tỷ USD, giảm 13% so với năm 2012.

Trong vài năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu tôm nước ta sang thị trường này luôn có xu hướng giảm dần. Xuất khẩu tôm sang Mỹ năm 2011 đạt 558,5 triệu USD, tăng 1% về giá trị so với 2010. Năm 2012, giá trị này ước đạt khoảng 480 triệu USD tổng giá trị nhập khẩu tôm Việt Nam, giảm gần 80 triệu USD. Như vậy, năm 2013 không biết giá trị này còn giảm bao nhiêu khi thị trường xuất khẩu chính liên tiếp gặp trục trặc.

Giám đốc một công ty xuất khẩu thủy sản tại Cà Mau cũng cho biết: Nếu Bộ Thương mại Mỹ chấp nhận đơn của COGSI và Việt Nam không có bằng chứng nào thuyết phục được thì tôm Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế 12%, như vậy doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì tôm bị áp cả hai loại thuế là bán phá giá và bán trợ cấp.

 

Chính phủ nên vào cuộc

Hiện, VASEP đã thuê một công ty luật chuyên về chống trợ giá để thay mặt các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vụ kiện này và kết hợp chặt chẽ với Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) để theo đuổi vụ kiện đến cùng. Trên thực tế, doanh nghiệp tôm Việt Nam không hề nhận được sự trợ cấp nào từ Chính phủ. Doanh nghiệp tôm Việt Nam đang tự cứu mình, vay vốn lãi suất cao, lãi suất ưu đãi thì không tiếp cận được… Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho biết: Vì những thông tin trên hoàn toàn sai sự thật, Cục sẽ bảo vệ cho doanh nghiệp Việt Nam đến cùng.

>> Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP: VASEP có đủ bằng chứng chứng minh ngành tôm Việt Nam không nhận trợ cấp từ Chính phủ theo như cáo buộc của COGSI. VASEP đã thông tin về vụ kiện cho các doanh nghiệp trong ngành. Theo đó, các bên sẽ tập hợp số liệu, giấy tờ cần thiết để chứng minh, trả lời cho phía Mỹ.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!