(TSVN) – Trải qua một thời gian dài nhiều khó khăn nhưng ngành tôm đã vượt qua để cán đích thành công trên hầu hết các khía cạnh. Đây là cơ sở quan trọng để con tôm Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trong ngành thủy sản.
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển nuôi tôm tháng cuối năm 2021 và năm 2022” diễn ra vào ngày 10/12/2021 vừa qua, tính đến hết tháng 11/2021, diện tích tôm nước lợ thả nuôi nước ta ước đạt 740 nghìn ha, tăng 0,5% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó diện tích tôm sú là 630 nghìn ha, TTCT là 110 nghìn ha.
Sản lượng tôm 11 tháng đầu năm đạt gần 903 nghìn tấn, tăng 1,9% so cùng kỳ, trong đó, tôm sú 225,2 nghìn tấn, TTCT 597,5 nghìn tấn, còn lại là tôm khác. Và điều đáng ghi nhận là ở hầu hết các địa phương giá bán tôm nguyên liệu đang ở mức tốt, người nuôi có lợi nhuận.
Về xuất khẩu, theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho thấy, 11 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả năm, ước kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020. Dự báo năm nay, xuất khẩu tôm nước ta sẽ cán đích ở mức gần 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020 và năm 2022 sẽ tăng khoảng 10%, đạt kim ngạch xuất khẩu 4,3 tỷ USD. Với tình hình khó khăn do dịch COVID-19 trong thời gian qua, đây là những con số cho thấy nỗ lực vượt bậc của ngành tôm để có thể cán đích thành công.
Tính đến đầu tháng 12, sản lượng tôm các loại đạt 970 nghìn tấn. Ảnh: Vũ Mưa
Mặc dù là ngành hàng mũi nhọn của ngành thủy sản, thế nhưng, con tôm vẫn còn nhiều bất ổn. Đặc biệt là trong giai đoạn tháng 7, 8, 9, dịch bệnh khiến giá tôm nguyên liệu giảm, việc mua bán gặp nhiều khó khăn.
Hơn nữa, tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất. Nhiều cơ sở chưa được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản nhưng vẫn được cấp chứng nhận kiểm dịch. Đây là những cơ sở chưa đáp ứng điều kiện, nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh.
Giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn chăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện (chi phí cao gấp 2 lần so với sử dụng điện); giá cước vận chuyển vật tư, nguyên liệu cao. Tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh cấm (Ciprofloxacin, Oxytetracycline, Ormetoprim, Chloramphenicol…) trong nuôi TTCT vẫn còn diễn ra ở một số địa phương.
Cùng đó, phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo; công nghệ nuôi tôm quảng canh chưa phù hợp, năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao; công tác đăng ký nuôi tôm nước lợ còn chậm, tỷ lệ đăng ký thấp… Thêm nữa, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, hệ lụy là thiếu nhân công, giá vật tư tăng cao, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất vẫn tồn tại. Sự liên kết giữa các địa phương để xử lý các vấn đề phát sinh do dịch bệnh còn hạn chế.
Để về đích trong năm nay, ngành tôm đã đặt ra nhiều giải pháp đảm bảo sản xuất thành công. Trong đó, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý an toàn thực phẩm trong NTTS nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm phục vụ chế biến, tiêu dùng trong nước, đặc biệt phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Xa hơn nữa, trong năm 2022, ngành tôm sẽ tổ chức liên kết giữa các địa phương nuôi tôm; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất để vừa phát triển sản xuất nuôi tôm, vừa ứng phó có hiệu quả với dịch COVID-19. Xây dựng kịch bản sản xuất tôm nước lợ trong điều kiện COVID-19, đảm bảo không bị động trước biến động của dịch bệnh.
Cùng với đó, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết để sản xuất an toàn, hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, tích cực phối hợp xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: 2021 là năm đặc biệt khó khăn, cả dịch bệnh COVID-19, cả lũ lụt, xâm nhập mặn… Trong đó, COVID-19 đã làm đứt gãy toàn bộ chuỗi cung ứng, đặc biệt trong các tháng 7, 8, 9, nhưng từ tháng 10, con tôm đã có sự bứt phá ngoạn mục. Sản xuất trong nước tăng trưởng, xuất khẩu cũng tăng. Ngành tôm đang có rất nhiều cơ hội trong thời gian tới, đặc biệt về xuất khẩu. Thế nhưng, để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành tôm thì cần đảm bảo hai vấn đề then chốt là năng suất và chất lượng. Vậy nên, phải chú trọng các yếu tố đầu vào đặc biệt là con giống và hạ tầng trong chuỗi sản xuất tôm.
Bảo Hân