T4, 22/12/2021 12:30

Xem xét phê duyệt chương trình khai thác thủy sản bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngành khai thác thủy sản Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, vì thế, cần phát triển khai thác thủy sản, tăng cường quản lý hoạt động của tàu cá trên biển và nâng cao hiệu quả khai thác để đảm bảo phát triển bền vững, có hiệu quả, có kiểm soát.

Mới đây, dự thảo về “Chương trình Quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2021 – 2030” đã được Tổng cục Thủy sản trình Bộ NN&PTNT và Chính phủ xem xét thông qua. Chương trình được triển khai thực hiện trên toàn bộ vùng biển Việt Nam và 28 tỉnh/thành ven biển, các nước trong khu vực, các quốc đảo Thái Bình Dương, các nước có thỏa thuận hợp tác nghề cá với Việt Nam và vùng biển thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Nghề cá Trung và Tây Thái Bình Dương (WCPFC), Ủy ban Cá ngừ Ấn Độ Dương,… Thời gian thực hiện từ năm 2021 đến hết năm 2030.

Mục tiêu của dự thảo là phát triển khai thác hải sản hiệu quả, bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với khả năng khai thác cho phép của nguồn lợi thủy sản, loại nghề, ngư trường, đa dạng sinh học, môi trường, biến đổi khí hậu góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Cụ thể:

Phát triển khai thác thủy sản bền vững

Về nguồn lợi thủy sản: Xác định trữ lượng, thành phần loài của nguồn lợi thủy sản, khu vực phân bố. Đến năm 2025, xác định và giao được hạn ngạch đánh bắt theo loài đối với cá ngừ; xác định hạn ngạch khai thác đối với vùng lộng và vùng ven bờ.

Về cơ cấu tàu khai thác: Đến năm 2030 giảm số lượng tàu cá khoảng 15% so với năm 2020, còn khoảng 80.000 chiếc. Trong đó, tàu cá vùng lộng, ven bờ khoảng 52.000 chiếc, giảm 21%; tàu cá vùng khơi khoảng 28.000 chiếc, giảm 10%; nghề lưới kéo giảm từ 16% xuống còn 10% trong cơ cấu nghề khai thác.

Về sản lượng khai thác: Sản lượng thủy sản khai thác giảm từ 3 – 5% một năm. Đến năm 2030, sản lượng thủy sản khai thác giảm còn 2,8 triệu tấn/năm.

Về chuyển đổi nghề khai thác không hiệu quả: Đến năm 2030 chuyển đổi khoảng 5.000 tàu cá làm các nghề xâm hại lớn đến nguồn lợi, môi trường sinh thái sang các nghề thân thiện với môi trường, nguồn lợi và các nghề khác. Chấm dứt nghề khai thác hủy diệt nguồn lợi, phá hoại môi trường.

Về mô hình khai thác: Đến năm 2025, xây dựng 5 mô hình thí điểm gắn khai thác, dịch vụ nghề cá với du lịch sinh thái tại cảng cá, khu dân cư, góp phần nâng cao đời sống, văn hóa, tinh thần của cộng đồng ngư dân gắn với xây dựng nông thôn mới.

Ảnh minh họa

Khai thác hiệu quả

Để khai thác hiệu quả cao, dự thảo đưa ra mục tiêu, đến năm 2030, có 100% tàu cá được cung cấp dự báo ngư trường hàng tháng và có 80% tàu cá vùng khơi được cung cấp dự báo ngư trường tức thời giúp ngư dân nắm bắt được ngư trường nhanh chóng, tiết kiệm chi phí khai thác.

Việc sử dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong khai thác và bảo quản sản phẩm sẽ đạt 30% số tàu cá vào năm 2025 và tăng lên 50% vào năm 2030. Từ đó, đặt mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 15% đến năm 2025 và dưới 10% đến năm 2030.

Việc liên kết tiêu thụ thủy sản khai thác cũng được đặt mục tiêu rõ ràng: Đến năm 2025, thành lập 5 chợ đầu mối bán đấu giá hải sản tại 5 Trung tâm nghề cá lớn, thành lập tối thiểu 30 mô hình liên kết chuỗi khai thác – thu mua – bảo quản – tiêu thụ hải sản và tăng lên 60 mô hình vào năm 2030.

Chấm dứt khai thác IUU

Nhằm hướng tới khai thác thủy sản đảm bảo an toàn, có trách nhiệm và tuân thủ các quy định và hội nhập quốc tế, mục tiêu cụ thể dự thảo đưa ra bao gồm:

Đến năm 2025 hoàn thiện đủ và số hóa cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý khai thác thủy sản; nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước về khai thác thủy sản.

Đến năm 2022, 100% tàu cá hoạt động vùng khơi được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và thực hiện giám sát hoạt động trên biển: Chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài, đến năm 2025, chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp (IUU);

Giám sát 100% tàu cá và sản lượng thủy sản vùng khơi bốc dỡ tại cảng cá và áp dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử vào năm 2025.

Tai nạn tàu cá giảm xuống dưới 1,5 vụ/1.000 tàu/năm, giảm 50% so với năm 2020 vào năm 2025 và tiếp tục giảm xuống dưới 1 vụ/1.000 tàu/năm vào năm 2030.

Đến năm 2030, có 100% thuyền, máy trưởng tàu cá vùng khơi được tập huấn định kỳ các quy định trong nước và quốc tế về khai thác thủy sản; 50% lao động khai thác thủy sản được hướng dẫn các kỹ năng, quy trình kỹ thuật khai thác, đảm bảo an toàn trên biển.

Bình An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!