(TSVN) – Trong một hội nghị đầu tháng 12/2021, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan bày tỏ: “Tôi quan niệm rằng thương hiệu là cái hiệu để người ta thương”. Và thương hiệu nông sản hiện nay phải trên cơ sở: “Phát triển nền nông nghiệp xanh, hướng tới nông thôn mới với lối sống thân thiện với môi trường”.
Trước nữa, ngày 30/11/2021, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì “Đối thoại chính sách cấp cao: Chuyển đổi sang Hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp” đã phân tích, nông nghiệp xanh xoay quanh ba trụ cột: Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh. Ngành nông nghiệp chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, hướng tới những giá trị xanh được tạo nên từ chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh.
Vậy thế nào là thương hiệu thủy sản xanh “để người ta thương”? Cụ thể hơn, thị trường đang đòi hỏi thủy sản phải được sản xuất như thế nào, với những tiêu chuẩn là gì?
Thủy sản nước ta năm 2021 vượt đại dịch khá ngoạn mục. Đầu tháng 12/2021, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) ước tính, kim ngạch cả năm 2021 có thể đạt 8,75 tỷ USD, tăng 4,1% so năm 2020. Thủy sản nước ta không chỉ phục vụ gần trăm triệu dân mà đã đứng vào top 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới, tới hơn 160 thị trường. Qua đó, tiếp cận rất gần yêu cầu của người tiêu dùng đang đòi hỏi thủy sản phải truy xuất nguồn gốc, có chất lượng, ATTP, bảo vệ sự bền vững môi trường toàn cầu. Thủy sản xanh phải có trách nhiệm với người tiêu dùng và nhân đạo.
Kết quả của ngành thủy sản năm 2021 bắt nguồn từ nền tảng phát triển chục năm qua, tập trung hiện thực hóa nhiều sáng kiến xây dựng chuỗi thủy sản bền vững và tăng cường nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, tại Đối thoại chính sách cấp cao vừa nêu, đại diện Ngân hàng Thế giới cũng thẳng thắn cho rằng, một số sáng kiến xây dựng chuỗi thủy sản bền vững chỉ ở mức độ thử nghiệm, chưa được lồng ghép đầy đủ ở các ngành. Hoạt động của ngành thủy sản đang sử dụng vật tư đầu vào quá mức và quản lý chất thải còn hạn chế, làm suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên như rừng ngập mặn, trữ lượng hải sản. Đất và nước ô nhiễm làm thủy sản bị chết, rừng ngập mặn suy thoái làm tăng tính dễ bị tổn thương của thủy sản ven biển. Việc đánh bắt quá mức gần bờ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của hàng trăm nghìn người.
Các chuyên gia chỉ ra 4 “điểm nghẽn” trong xây dựng thủy sản xanh hiện nay. Quy mô sản xuất hộ nhỏ lẻ, khó ứng dụng khoa học công nghệ, khó xây dựng chuỗi thủy sản xanh. Môi trường tự nhiên thiếu quan tâm bảo vệ và biến đổi khí hậu làm suy giảm đa dạng sinh học. Thiếu hạ tầng kết nối, hạ tầng thông tin nhất là thông tin về thị trường. Thiếu một khu vực tài chính hiện đại, vận hành tốt cho tăng trưởng thủy sản xanh.
Khắc phục các “điểm nghẽn” cũng là nội dung chính khuyến nghị phát triển thủy sản xanh. Một số chương trình, kế hoạch đã được đặt ra nhằm cơ cấu lại ngành thủy sản, cả ngành nông nghiệp. Bộ NN&PTNT đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.