(TSVN) – Mặc dù trong bối cảnh thời tiết bất lợi, nhiều nơi bị thiệt hại, ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng mô hình nuôi cua kết hợp tôm sú vẫn có hiệu suất đầu tư đạt lợi nhuận cao đối với con tôm là trên 55%, cua là 60%. Mô hình được xem là mang tính bền vững, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều hộ dân.
Để cua phát triển tốt nên bố trí thả giống vào khoảng tháng 2 – 3, thu hoạch dứt điểm vào khoảng tháng 7 – 8 dương lịch vì trong khoảng thời gian này độ mặn ở các tuyến kênh còn, dao động trong khoảng 14 – 28‰.
– Cua giống phải đồng cỡ, đồng màu, có phản ứng nhanh lẹ, các phụ bộ đầy đủ và không có xác chết trong bể dèo.
– Cua cho vào khay phải phân bố đều, không dồn cục và đổ nước vào cua phải phân tán đều khay, khả năng đèo bám giá thể tốt.
Nên dèo cua trong ao dèo khoảng 15 – 20 ngày để hạn chế cua bị hao hụt: Tùy theo số lượng giống thả mà xây dựng ao dèo lớn hay nhỏ nhưng phải đảm bảo mật độ ương trong ao dèo không quá 5 con/m2.
Ao dèo trước khi thả giống phải được cải tạo kỹ: Sên vét bùn đáy ao, bón vôi với liều từ 15 – 20 kg/1.000 m2, lấy nước vào đầy ao qua lưới lọc hạn chế tôm cá tạp theo vào, sau đó dùng saponin với liều 20 kg/1.000 m3 diệt cá tạp, kiểm tra lại các yếu tố môi trường nước điều chỉnh vào khoảng thích hợp như: pH nằm trong khoảng 7,5 – 8,5, nếu pH thấp dùng vôi CaCO3 với liều 7 – 10 kg/1.000 m3 tạt đều khắp ao để nâng pH lên. Độ mặn trong ao dèo nằm trong khoảng 18 – 22‰. Độ kiềm nằm trong khoảng 80 – 150 mg CaCO3/lít.
Do đặc tính của cua ăn nhau rất dữ, trong ao dèo nên đặt chà để cho cua trú ẩn, chà được bó thành nhiều bó đặt đều khắp ao dèo. Trong quá trình ương cua trong ao dèo, bổ sung thức ăn cho cua. Có thể cho cua ăn cá tạp có sẵn ở địa phương, cá được hấp chín, băm nhuyễn tạt đều khắp ao với liều 0,6 – 0,8 kg cho 1.000 cua giống.
Để cua và tôm sú không cạnh tranh thức ăn và không ăn lẫn nhau, tôm sú thả nuôi 12 – 15 con/m2. Với cua: Nếu thả cua hạt tiêu, tức cua bột mới xuất khỏi trại giống thì nên thả 1 – 1,5 con/m2; cua hạt dưa mật độ khoảng 1 con/m2; cua hạt me thỉ thả khoảng 0,5 con/m2. Tức cua càng lớn mật độ thả càng thấp.
Trong giai đoạn ương, có thể cho cua ăn cá tươi hấp chín tán nhuyễn trong vài ngày đầu, sau đó trộn cá hấp với thức ăn viên của tôm với tỷ lệ giảm dần cá hấp và tăng dần cám viên để đến khi bung vèo, thả cua ra ao tôm thì cua có thể dùng thức ăn viên chung với thức ăn của tôm. Thường cua bột mới thả vào vèo, ngày đầu không cho ăn vì cua chưa khỏe hẳn sau quá trình vận chuyển và gây mê. Ngay sáng hôm sau, nên bắt đầu cho cua ăn, bắt đầu cho ăn khoảng 400 – 500 g cá hấp/ngày, chia làm 4 lần (6 g, 11 g, 17 g và 21 g). Sau đó cứ 3 ngày, tăng 20 – 30% lượng thức ăn.
Sau 1 tuần ương, thấy cua nhanh nhẹn, khỏe mạnh là có thể thả nuôi cùng với tôm sú và sau đó chăm sóc cho ăn như cho tôm sú ăn. Lượng thức ăn cho cua chỉ cần tăng thêm lượng thức ăn bằng 3 – 2% lượng cua có trong ao. Vào ban ngày nếu sau khi cho tôm và cua ăn xong, sau 2 giờ, đi quanh ao thấy có nhiều cua bò quanh bờ, dưới mép nước gần bờ để kiếm ăn, tức lượng thức ăn không đủ, cần tăng thêm thức ăn cho lần sau.
Để hạn chế cua thất thoát ra vuông nuôi: Bờ bao phải đảm bảo chắc chắn không bị mọi, rò rỉ nhằm tránh mất nước trong suốt thời gian nuôi. Chiều rộng mương tối thiểu phải đạt từ 2 – 3 m, chiều sâu đạt 1,2 – 1,5m để giữ được mức nước mặt trảng khi nuôi đạt từ 0,5 m trở lên, để đảm bảo các yếu tố môi trường trong vuông nuôi được ổn định, để tạo điều kiện cho cua lên trảng tìm thức ăn. Trên bờ vuông nên để cỏ không nên dọn trống, dùng lưới hoặc cao su rào kỹ bốn góc vuông và chỗ lấy nước vào (cua thường ra những gốc vuông và đường bơm nước).
– Định kỳ theo dõi các yếu tố môi trường nước để điều chỉnh vào khoảng thích hợp cho cua phát triển tốt: pH 7 – 8,5; kiềm 80 – 150 ppm, độ mặn 15 – 22‰.
– Trong vuông nuôi phải có chỗ để cua trú ẩn và lột xác sinh trưởng (dưới mương bao nên đặt chà, trên trảng có thể trồng năn tượng mật độ vừa phải để làm nơi trú ẩn cho cua).
– Trong vuông phải có đủ thứ ăn cho cua ăn (có thể thả cá phi, ốc… vào vuông để cho cua ăn).
– Định kỳ 15 – 20 ngày thay nước 1 lần, mỗi lần thay 20 – 30% lượng nước trong vuông, để kích thích cho cua hoạt động, ăn nhiều, lột xác tốt.
– Thường xuyên kiểm tra bờ, cống, rào chắn để kịp thời sửa chữa, trách để cua bò ra ngoài.
Sau khi nuôi được 3 tháng, có thể dùng vợt hoặc câu để thu tỉa cua lớn và chắc thịt để bán, sau 4 tháng cua trong ao đã bớt, kéo lưới để thu tôm sú, đồng thời làm cạn ao để thu cua.
Hoàng Yến